Rót giọt vàng mơ ước cho các em thơ (*)

Thứ tư, 31/08/2016 10:40

(Cadn.com.vn) - Đêm ấy, dưới tán cây lộc vừng trong khu vườn nhà mát rượi, cô đã hát cho tôi nghe bản nhạc do cô sáng tác viết về 18 học sinh thân yêu không may gặp nạn trên bến Cà Tang (Nông Sơn, Quảng Nam) 13 năm trước. Giọng cô thủ thỉ như lời ru của người mẹ vỗ về các con thơ say giấc! Tôi lặng đi vì xúc động! Mãi đến khi hiểu hơn về cô, tôi mới biết đấy không phải là ca khúc đầu tiên cô sáng tác. Cô là Trần Thị Lài, giáo viên dạy văn ở Trường THCS Quế Trung và mới nghỉ hưu. Với cô, âm nhạc chính là người bạn tâm giao để giãi bày những cung bậc cảm xúc, những ân tình về tình đất, tình người xứ Quảng...

Tôi gặp cô trong chiều hè oi ả bên bờ sông Thu, nước đong đầy đôi bờ. Lúc ấy, cô đang theo đoàn làm phim thực hiện phóng sự giới thiệu nông dân Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn) làm giá đỗ sạch trên cát. Trong trang phục áo bà ba màu hồng cánh sen, quần lụa đen, cô nổi bật giữa nền trời sông nước mênh mang. Không hiểu sao, lúc đó tôi đã có cảm tình với cô!

Cô Trần Thị Lài. 

Sinh năm 1960 tại phủ lỵ Tam Kỳ, vì tình yêu văn chương nên tốt nghiệp lớp 12, cô thi vào khoa Ngữ Văn Trường CĐ Sư phạm Đà Nẵng (nay là Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Tốt nghiệp năm 1981, cô về dạy học ở Tam Dân (nay khối phố Tân Phú, TT. Phú Thịnh, H. Phú Ninh) được một thời gian rồi lập gia đình, theo chồng (cũng là giáo viên) về làm dâu ở làng Đại Bình - được mệnh danh làng Nam Bộ của miền tây Quế Sơn nghèo khó ngày ấy (H. Nông Sơn ngày nay), dạy học tại Trường THCS Quế Trung. Ngày ấy, giao thông cách trở, từ Đại Bình sang bên tê sông Thu Bồn chỉ có duy nhất phương tiện là đi đò. Mùa mưa đến, việc qua lại trên đoạn sông này rất cực khổ, gian nan.

Thấm thoát thoi đưa, ngót ngét cô về làm dâu tại ngôi làng này đã 34 năm. Mảnh đất bình yên, hiền hòa cùng tình người chân chất, thật thà ấy đã gieo trong cô một tình yêu không sao tả xiết. Cô yêu biết bao nhiêu cái cổng làng với 53 bậc thang lên xuống nằm nép mình bên hai dãy tre xanh biếc, như bờ tường thành bao bọc xóm làng bình yên. Cô yêu biết bao nhiêu những vườn cây sai trái, mùa nào thức nấy. Yêu biết bao những con người dân quê chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó. Đặc biệt, cô yêu biết bao nhiêu những lứa học trò ở miền quê còn nhiều nghèo khó nhưng dễ thương, ngoan hiền, hiếu học vô cùng. Cô thổ lộ, chính những tiếng cười ngây thơ, giòn tan của chúng là món quà giúp mình vượt qua nỗi nhớ nhà, để không chùn bước trước những khó khăn, vất vả, ngày ngày theo đò sang sông đến trường, cùng các đồng nghiệp “gieo giọt nắng vàng mơ ước cho các em thơ”...

Chính từ trong những năm tháng đầu tiên xa quê ấy, đêm đêm, sau khi lo việc nhà xong, ngồi trong sân vườn nhìn xuyên qua màn đêm đen thẳm, trong cô trỗi dậy niềm ước ao được trải lòng mình trên trang giấy, chập chững những nốt nhạc với cây đàn guitar để thổ lộ tâm tư, nỗi lòng người con xa xứ... Điều đó trở thành động lực để cô mày mò, tìm tòi, học hỏi viết nhạc. Ban đầu, cũng chỉ viết rồi hát cho bạn bè, đồng nghiệp, cho bà con trong làng nghe. Cũng chẳng biết đã viết đúng nhạc hay chưa, chỉ biết, có những bài cô sáng tác được nhiều người nghe, hát khen “được lắm”! Cứ thế rồi mạnh dạn viết.

Ngày 18 học sinh của trường gặp nạn trên bến Cà Tang, cũng như bao nhiêu thầy cô, học sinh và người dân khắp Nông Sơn, cô âm thầm tiễn bước học trò. Làm sao không đau, không thương xót cho được khi kể từ đây, những cô bé, cậu bé đáng yêu đang  mang trong mình ước mơ về một ngày mai không xa sẽ góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn từ sự nỗ lực học tập của mình, đã không còn nữa. Các em nhỏ ấy mãi nằm yên dưới lòng đất lạnh... Tình yêu thương cùng nỗi đau, sự mất mát quá lớn ấy đã thôi thúc cô phải viết cái gì đó dành tặng riêng những sinh linh bé bỏng, đáng thương ấy. Và ca khúc “Ngủ yên nhé em” đã ra đời sau khi chiếc cầu bắc qua bến Cà Tang hình thành, nối nhịp đôi bờ thượng nguồn sông Thu; để những đứa trẻ làng mỏ Nông Sơn, Đại Bình... không còn phải nghỉ học mỗi khi mùa mưa bão về, nước sông dâng ngập chia cắt đôi bờ. 

Cô Lài hát ca khúc do mình sáng tác trong đêm giao lưu văn nghệ Hội người cao tuổi xã Quế Trung.

Bài hát như lời ru thủ thỉ, vỗ về những học trò bé bỏng hãy say giấc nồng. Từng lời trong giai điệu bài hát nhẹ nhàng, tha thiết, đầy thổn thức đã chạm đến trái tim người nghe. “Hãy ngủ yên nhé em! Hãy ngủ sâu nhé em/giấc ngủ say bên dòng chảy êm đềm/giấc ngủ sâu trong lòng đất hiền hòa/ nước mắt ngược dòng nghẹn ngào xót xa/ Tuổi thơ ơi! Tiếng cười giòn tan từng chiều tan học/ khăn quàng đỏ thắm trên vai/ Tuổi thơ ơi! Đâu đàn chim non ríu rít gọi bầy/ chuyến đò ngang sóng sánh đôi bờ/ Hãy ngủ yên nhé em!/ Hãy ngủ sâu nhé em/ Trong giấc mơ có dòng sông yên bình/ trong giấc say chắp đôi cánh thiên thần/làm nhịp cầu thay sắc áo quê em/ Hãy ngủ yên nhé em!”.

Trong đêm giao lưu văn nghệ do Trung tâm Thông tin văn hóa H. Nông Sơn kết hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam tổ chức ở Hội trường mỏ than Nông Sơn, khi bản nhạc này được một “ca sĩ” làng Đại Bình hát, bà con Nông Sơn ai nấy đều khóc. Lúc đấy, nhạc sĩ Phan Văn Minh (hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam) khuyên cô nên tham gia vào Hội để những tác phẩm của cô có cơ hội được cất cánh. Ông cho cô mượn một số tài liệu liên quan đến sáng tác nhạc. “Đọc tập tài liệu quý giá của thầy giáo, nhạc sĩ Phan Văn Minh, tôi phát hiện mình sáng tác nhạc còn nhiều chỗ sai lắm, còn non tay lắm, cần phải học hỏi, cần phải chỉnh sửa và phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, cô nói. Sau đó, cô gia nhập vào Hội Âm nhạc tỉnh Quảng Nam để được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các nhạc sĩ chuyên nghiệp nhằm nâng cao tay nghề. Trong các sáng tác của mình, cô lấy bút danh Mạc Ly, tên do thầy giáo dạy văn thời THPT đặt cho để tưởng nhớ người thầy nhân hậu, bao dung.

Có lẽ, vì là giáo viên dạy văn nên cô có nhiều “lợi thế” trong việc sử dụng ngôn từ. Có thể nói, phần nhạc chưa hẳn xuất sắc, nhưng ca từ thì rất sáng, rất đắc, lời lẽ cứ tự nhiên, nhè nhẹ đi vào lòng người, như tính cách cô vậy! Tôi cảm nhận được tình yêu cô dành cho con người và vùng đất Nông Sơn nói riêng, Quảng Nam nói chung rất sâu lắng. Với riêng tôi, các ca khúc của cô viết đầy ắp hơi thở của cuộc sống bình dị, thấm đẫm tình người.

Năm 2013, Chi hội Âm nhạc tỉnh Quảng Nam ra mắt tuyển tập ca khúc “Quê hương xứ rượu Hồng Đào”. Trong 32 ca khúc của 18 tác giả được tuyển chọn từ hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ, bản nhạc “Giai điệu một vùng quê” và “Níu bóng thời gian”(Ý thơ:Vân Anh) của cô đã được tuyển chọn. Mới đây, trong đêm kỷ niệm 110 năm thành lập phủ lỵ Tam Kỳ nhằm giới thiệu các tác phẩm mới viết về Tam Kỳ, ca khúc “Sắc hoa vàng” của cô đã được chọn giới thiệu.

Dù được công nhận là nhạc sĩ, nhưng cô vẫn cho mình còn “non tay”, vẫn là kẻ “ngoại đạo” đang dò dẫm từng bước một trong âm nhạc. Với cô, dạy học vẫn là nghề cô yêu quý nhất. Người giáo viên giờ đã về hưu, vẫn luôn dõi theo từng bước chân trưởng thành của những học trò cũ thân yêu! Với cô, âm nhạc cùng những trang văn chắt gạn lòng mình là cách để cô tri ân với đất và tình người nơi đây.

Phải chăng, tình yêu nghề, yêu trò, yêu người và đất xứ Quảng đã nuôi dưỡng, chắp cánh để âm nhạc trong tâm hồn cô giáo 56 tuổi này có dịp ngân vang?

P.Thủy

(*) Tựa đề bài viết dựa theo lời tự tình của cô giáo Trần Thị Lài viết lúc giã từ bục giảng về hưu