Rủi ro khi góp vốn thành lập công ty
(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Thành Nhân (trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) hỏi: Tôi làm trong lĩnh vực cơ khí và sửa chữa ô tô. Lâu nay tôi làm ăn nhỏ, quy mô hộ gia đình. Nay có vài người bạn muốn mời tham gia thành lập công ty cổ phần (CTCP), cũng về cơ khí và ô-tô. Do vậy, tôi muốn biết những rủi ro có thể gặp phải khi tham gia thành lập CTCP.
Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Thông thường, các cổ đông (CĐ) sáng lập CTCP là những người có quan hệ thân quen, dựa trên niềm tin để hợp tác với nhau. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu, các CĐ không chú trọng đến tính chặt chẽ nên dễ phát sinh tranh chấp về sau. Trong phạm vi nội dung trả lời này, tôi chỉ đề cập đến một số rủi ro thường gặp trong quá trình thành lập và hoạt động liên quan đến quan hệ giữa các CĐ sáng lập CTCP. Thứ nhất, cần xác định phương thức góp và sử dụng vốn trước khi làm thủ tục đăng ký thành lập CTCP. Đã có nhiều tranh chấp xảy ra khi các CĐ góp vốn để một người đứng ra nhận và làm các thủ tục thành lập. Tuy nhiên, sau đó mới nhận ra rằng mình không có tên trong danh sách CĐ sáng lập của CTCP và người được giao quản lý tài chính đã tự ý sử dụng nguồn vốn, gây thiệt hại cho các CĐ. Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng điều lệ CTCP. Hiện nay, các tranh chấp giữa các thành viên xảy ra thường do khi thành lập, các CĐ không quan tâm đến nội dung điều lệ, thậm chí không đọc điều lệ khi ký. Thứ ba, cần xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính cho CTCP. Đây cũng là vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Khi mới thành lập thì các CĐ chưa thấy vấn đề gì. Nhưng sau một thời gian sẽ có một số vấn đề phát sinh về việc lạm dụng quyền quản lý, lạm dụng trong chi tiêu tài chính. Thậm chí có CĐ không tham gia điều hành CTCP không biết được CTCP lỗ lãi thế nào trong một thời gian dài.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của
Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
Điện thoại tư vấn: 0905102425