Rừng Buôn Đôn tiếp tục "chảy máu"
“Chọc tiết” rừng
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Đắc Lắc xôn xao về vụ việc lâm tặc triệt hạ 72 cây gỗ quý tại Tiểu khu 469 (xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc) mà các cơ quan chức năng địa phương không hề hay biết. Tình trạng xâm hại rừng không chỉ xảy ra với rừng sinh thái, rừng đặc dụng mà đến cả rừng phục vụ du lịch, có đơn vị quản lý trực tiếp vẫn bị khai thác trái phép là một thực tế đáng báo động trên địa bàn. Đơn cử như 1.300 ha rừng tại xã Krông Ana do Công ty cổ phần thương mại- Du lịch Bản Đôn (viết tắt: Cty DL Bản Đôn) quản lý, bảo vệ và phục vụ khai thác du lịch hiện trong cảnh tan hoang.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của một người dân địa phương, chúng tôi đã có một hành trình vào rừng. Đi qua những đoạn, những cây gỗ bị lâm tặc lấy mất phần thân và chỉ trơ lại phần ngọn như một lời thách thức: Rừng đã bị tàn phá một cách dễ dàng và sẽ còn bị tàn phá... Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, nhiều khả năng các đối tượng lâm tặc rất ngang nhiên khi triệt hạ 72 cây gỗ quý tại đây. Bởi, nhìn từ vết cưa máy rồi đến dấu bánh xe cỡ lớn để lại cho thấy chúng không hề lén lút...
Một cây cà chít bị lâm tặc cưa hạ, lấy đi phần thân, bỏ lại phần ngọn. |
Trở lại vụ việc 72 cây rừng bị triệt hạ tại Tiểu khu 469, ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Buôn Đôn cho biết: "Vụ việc được phát hiện vào ngày 8-3, các đối tượng đã đốn hạ 72 cây rừng, chủ yếu là cây Cà chít và một số loại cây khác (thuộc nhóm III, V). 23 cây đã bị lấy mất phần thân gỗ, còn lại 49 cây chúng chưa kịp lấy, tổng khối lượng gỗ tròn đưa về Hạt ước tính 21m3". Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn còn cung cấp thêm: Trong năm 2014 vừa qua xử lý 98 vụ liên quan đến việc phá rừng, tịch thu hơn 110m3 khối gỗ, tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng, thu giữ 31 xe máy (độ chế), cưa máy và công cụ khác.
Vậy, 23 cây gỗ đã bị lâm tặc lấy mất phần thân (có thể hơn 10m3 gỗ) bây giờ ở đâu? Những đối tượng nào trực tiếp khai thác và vận chuyển bằng hình thức nào? Sao chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm địa bàn không phát hiện kịp thời để ngăn chặn?... Hàng loạt nghi vấn xung quanh vụ việc trên một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Số lượng gỗ lâm tặc chưa kịp chuyển, bị kiểm lâm buôn Đôn thu giữ. |
Để mất rừng, trách nhiệm của ai?
Đây là diện tích rừng mà UBND tỉnh Đắc Lắc giao cho Công ty TNHH MTV cao su Đắc Lắc (Dakruco) thuê để thực hiện dự án Trung tâm du lịch sinh thái và Spa Bản Đôn. Năm 2011, Trung tâm này cổ phần hóa và trở thành Cty DL Bản Đôn. Sở NN&PTNT Đắc Lắc và UBND H. Buôn Đôn đã có nhiều văn bản đề nghị tỉnh thu hồi rừng và xử lý trách nhiệm Dakruco. Nhưng, Dakruco cũng có văn bản cho rằng trách nhiệm thuộc về Cty DL Bản Đôn và Dakruco không có trách nhiệm về vấn đề này.
Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ làm việc với đơn vị thuê rừng là Dakruco nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ Phòng Hành chính của Dakruco rằng: Hiện tại chúng tôi rất bận, không thể hẹn lịch làm việc được. Liên quan đến vụ khai thác rừng trái phép này, Thượng tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng CAH Buôn Đôn, cho biết: "Đây là vụ phá rừng lớn nhất trên địa bàn từ đầu năm 2015, hiện tại cơ quan CA đang điều tra vụ việc". Thượng tá Lương cũng nói thêm rằng, tình hình phá rừng trên địa bàn vẫn còn diễn ra phức tạp, thực tế thì những vụ việc nhỏ lẻ rất khó phát hiện và xử lý, lâm tặc lợi dụng việc sơ hở của các cơ quan chức năng để vào rừng tàn phá. Qua đây cũng cho thấy công tác quản lý rừng của chúng ta khá lỏng lẻo tạo cơ hội cho lâm tặc hoành hành.
Trong khi cơ quan chức năng đang loay hoay truy tìm nhóm lâm tặc "sát hại" 72 cây gỗ trên thì trách nhiệm quản lý hơn 1.300 ha rừng ở xã Krông Ana đang trở thành trái bóng để những đơn vị liên quan "chuyền" cho nhau mà chẳng bên nào chịu nhận.
Tứ Đức