Rừng miền Trung vẫn “chảy máu” (Kỳ 1: “Xẻ thịt” rừng đầu nguồn Sông Tranh)
Giá trị những cây gỗ cổ thụ, đặc biệt gỗ quý ngày càng tăng song công tác quản lý, bảo vệ rừng của một số cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo, thiếu quyết liệt cũng như có những dấu hiệu bất thường khiến nạn phá rừng ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên luôn tồn tại những điểm “nóng”. Những ngày qua, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã thâm nhập thực tế và chứng kiến nhiều cánh rừng đang “chảy máu”, lâm tặc đốn hạ những cây gỗ cổ thụ không tiếc thương...
Thủy điện Sông Tranh 3 giáp ranh giữa 3 huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức và Tiên Phước (Quảng Nam) nằm trên lưu vực sông Thu Bồn, phía trên có các hệ thống thủy điện khác như Trà Linh, Sông Tranh 2... Bị chia cắt bởi nhiều hệ thống thủy điện nên việc vận chuyển gỗ lậu của “lâm tặc” về xuôi bằng đường sông trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, từ khi thủy điện Sông Tranh 3 tích nước (tháng 12-2018), mực nước trong hồ dâng cao khiến các dòng sông, suối đầy ắp nước. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng vận chuyển gỗ bằng đường thủy hoạt động.
Hàng chục cây cổ thụ ở đầu nguồn Sông Tranh bị triệt hạ không thương tiếc. |
Thẳng tiến điểm “nóng”
Sau nhiều ngày tìm hiểu, khoanh vùng, chúng tôi chọn khu vực rừng già giáp ranh giữa xã Trà Giác với Trà Tân (H. Bắc Trà My) để thâm nhập. Theo sự hướng dẫn của những người đi hái lâm sản phụ trong rừng, từ Khu di tích Nước Oa (xã Trà Tân), chúng tôi thẳng tiến về điểm phá rừng ở đầu nguồn đập thủy điện Nước Oa, cũng là thượng nguồn của thủy điện Sông Tranh 3. Sau 30 phút di chuyển bằng xe máy, tiếp tục lội bộ men theo đường mương dẫn nước của thủy điện Nước Oa rồi đi theo con suối Oa để tìm dấu vết của vụ phá rừng. Gần 1 tiếng đến rìa suối, chúng tôi phát hiện có 1 cây gỗ đường kính khoảng 1,3m đã bị đốn hạ; “lâm tặc” đã rọc phách gỗ tại chỗ, hiện trường chỉ còn 1 phách gỗ 20x30cm, dài 2,5m và 1 lóng gỗ dài 2,5m.
Những khúc, phách gỗ vừa bị cưa xẻ nằm ngổn ngang khắp rừng. |
Từ đây, theo vết mòn trâu kéo gỗ, chúng tôi di chuyển lên đỉnh đồi và sững sờ khi chứng kiến vết mòn trâu kéo gỗ chi chít như “xương cá”, khung cảnh tan hoang tại khu rừng dần hiện ra trước mắt. Chỉ trong phạm vi vài chục mét, chúng tôi ghi nhận có hàng chục cây gỗ cổ thụ đường kính từ 1 đến 2m vừa bị triệt hạ không thương tiếc, trong đó có 7 cây mới bị đốn hạ. Qua quan sát tại hiện trường có đến gần 20 lóng gỗ dài khoảng 3m chưa xẻ phách nằm la liệt như một xưởng cưa giữa khu rừng; cùng với đó nhiều phách gỗ được xẻ theo quy cách 20x30cm, dài gần 3m nằm la liệt khắp nơi.
Tiếp tục men theo vết mòn trâu kéo gỗ, chúng tôi phát hiện các đối tượng kéo gỗ tập kết tại khu rừng keo dấu vết còn rất mới, tuy nhiên gỗ đã bị “lâm tặc” vận chuyển ra cách đó không lâu. Di chuyển sang ngọn đồi bên, chúng tôi phát hiện vết mòn trâu kéo gỗ hằn sâu gần mét cạnh con suối Oa. Sau thời gian ghi nhận tại khu đồi này, có hàng chục cây gỗ đường kính từ 90cm - 1,2m đã bị “lâm tặc” đốn hạ trong thời gian dài, dấu vết mới nhất cách đây khoảng vài tháng. Di chuyển thêm 40 phút nữa, chúng tôi phát hiện vết mòn trâu kéo gỗ mới hướng lên một khu đồi có nhiều cây cổ thụ. Men theo đường mòn, phóng viên phát hiện có nhiều cây gỗ cổ thụ đã bị đốn hạ cách đây vài tháng, gỗ phách đã bị lấy đi. Bên cạnh đó có những cây vừa bị đốn hạ, nhựa cây vẫn đang ứa ra, trong đó có 1 cây 4 người ôm không xuể.
Một gốc cây vừa bị đốn hạ 5 người ôm mới xuể. |
Luồn lách qua nhiều trạm luân chuyển
Ở khu vực này dấu vết hiện trường để lại cho thấy, gỗ được “lâm tặc” dùng trâu kéo ra tập kết gần con đường vào hồ thủy điện Nước Oa sau đó tiếp tục kéo ra bãi tập kết. Từ đây, các đối tượng dùng xe chở về xuôi theo 3 hướng: Hướng thứ nhất theo QL40B xuôi về Tam Kỳ; đường thứ hai qua hướng Trà My - Trà Bồng (Quảng Ngãi) và hướng thứ ba theo dòng Sông Tranh đổ về lưu vực thủy điện Sông Tranh 3. Tuy nhiên theo người dân cho biết, kể từ khi thủy điện Sông Tranh 3 tích nước, các đối tượng lợi dụng lòng hồ này để dễ dàng vận chuyển gỗ lậu hơn. Bởi lưu thông bằng đường thủy khó bị cơ quan chức năng phát hiện hơn. Gỗ sau khi được xuôi theo dòng Sông Tranh sẽ cập vào các điểm tập kết ở gần bờ đập thủy điện, sau đó sẽ có các xe cơ giới vào vận chuyển đưa về nơi tiêu thụ.
“Khu rừng này cách đây 10 năm có nhiều loại gỗ quý như: lim, gõ, sến nhưng bị chúng đốn hạ. Khi những cây gỗ quý đã bị triệt hạ hết, nay chúng chuyển qua đốn hạ những loại cây như: chua, chuồn, chò... Cứ khuya đến, tôi nghe cả đoàn xe máy nối đuôi nhau chạy âm ỉ từ trên thủy điện xuống. Ở ngọn núi gần rẫy keo, bọn chúng tập kết gỗ tại khu rừng keo cách khu làng vài trăm mét, tối đến sẽ dùng xe ô-tô chở ra bằng con đường mòn của xe chở keo. Người dân phát hiện sự việc đã nhiều lần báo lên chính quyền địa phương, nhưng vẫn không thấy lực lượng chức năng nào lên kiểm tra, ngăn chặn cả. Chính vì thế, khu rừng này đã bị bọn chúng “xẻ thịt” từ nhiều năm nay”- một người dân địa phương thông tin.
Lúc này, dù chúng tôi đã thâm nhập vào sâu trong rừng nhưng tiếng máy cưa vẫn inh ỏi. Đi theo tiếng máy cưa, phóng viên phát hiện có một nhóm “lâm tặc” đang rọc phách một cây gỗ cổ thụ vừa đốn hạ, xung quanh có nhiều cây khác đã đốn hạ nằm ngổn ngang. Sau khi tiếp cận nhóm “lâm tặc” ghi nhận hiện trường, đề phòng các đối tượng phát hiện sẽ manh động tấn công nên chúng tôi âm thầm rút lui, nghỉ ngơi lấy sức để hôm sau tiếp tục thâm nhập vào những điểm phá rừng khác...
(còn nữa)
Phóng sự: BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG