Rừng Nam Đông tiếp tục “chảy máu”

Thứ tư, 29/03/2017 13:48

(Cadn.com.vn) - Tình trạng phá rừng trái phép và khai thác gỗ lậu trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) những tháng đầu năm 2017 tuy có giảm nhưng vẫn nhức nhối. Nguy cơ chặt phá rừng có khả năng gia tăng khi mà một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

 

Liên tục khởi tố hình sự   

Trung tá Nguyễn Huy Đông- Phó trưởng CAH Nam Đông cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ khởi tố hình sự 7 vụ hủy hoại rừng với 8 bị can từ Hạt kiểm lâm (HKL) H.Nam Đông, đến cuối tháng 3-2017, cơ quan điều tra CAH đã kết luận 5 vụ với 5 bị can. Hiện CA đang tiếp tục điều tra làm rõ các vụ còn lại. Ông Hoàng Văn Chúc- Hạt trưởng HKL H.Nam Đông cho biết, trước đó, vào cuối tháng 6-2016, đơn vị phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động- PCCCR số 2 và UBND xã Thượng Nhật (H.Nam Đông) tiến hành kiểm tra tại tiểu khu 423, 421, 426 thuộc địa bàn quản lý của xã này thì phát hiện một số vị trí rừng tự nhiên bị phá trái phép với tổng diện tích 8,44 ha.

Phần lớn diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại thuộc rừng đã giao cho các cộng đồng thôn 1, 2 xã Thượng Nhật quản lý bảo vệ. Quá trình điều tra, truy xét đối tượng vi phạm, HKL đã mời 11 đối tượng đến làm việc và lập biên bản ghi lời khai. Bước đầu, 11 đối tượng này đã công nhận về hành vi phá rừng trái pháp luật của mình và cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 11 đối tượng. Điều đáng nói, trong đó có 8 vụ phá rừng, loại rừng sản xuất theo quy định phải khởi tố hình sự. Điều đáng nói, diện tích rừng bị phá đều ở vị trí, khoảnh, tiểu khu thuộc địa bà xã Thượng Nhật- giáp ranh với vùng Quảng Nam.

Theo ông Hoàng Văn Chúc, năm 2016, tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm rừng lấy đất sản xuất ở địa bàn H.Nam Đông nổi lên thành điểm nóng của tỉnh. Trong năm đã xảy ra 25 vụ phá rừng với diện tích 12,909 ha, tăng 74% so với năm trước. Ngoài ra, tình hình khai thác, mua bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản tuy khối lượng có giảm nhưng còn ở mức cao, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt giữ 54 vụ, tịch thu 63,251m3 gỗ.

 

Tiềm ẩn nguy cơ phá rừng

Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng kiểm lâm H.Nam Đông tiếp tục phát hiện 3 vụ phá rừng trái phép, trong đó, lực lượng chức năng đã xác định rõ 2 vụ gồm: vụ Hồ Văn Lực phá rừng tại Lô 47, khoảnh 8, tiểu khu 421 (xã Thượng Nhật) và vụ phá rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 395 ở xã  Thượng Quảng là do Trần Văn Krớ phá. Ngoài ra, vụ phá rừng ở Lô a2, khoảnh 6, tiểu khu 411 ở xã Thượng Lộ, cơ quan chức năng đang điều tra, truy tìm đối tượng. Tìm hiểu các đối tượng vi phạm đến hành vi phá rừng, họ đều cho rằng, vẫn biết chặt phá rừng là vi phạm pháp luật tuy nhiên do không có đất sản xuất nên họ đã lấn chiếm, chặt phá rừng của Nhà nước để trồng keo, cao su tạo kế sinh nhai.

Theo HKL H. Nam Đông, ngoài 3 vụ phá rừng trái phép, từ đầu năm đến nay, HKL H.Nam Đông phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ H.Nam Đông đã phát hiện 10 vụ khai thác, vận chuyển gỗ quý trên tuyến đường quốc phòng 74 và khu vực Khe La Mạ. Điều đáng nói, một số đối tượng bị phát hiện trong khi vận chuyển gỗ lậu lại là người ở từ TP Huế lên. Theo ông Hoàng Văn Chúc, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng là hiện nay nhu cầu đất đai để sản xuất vì sinh kế của người dân ngày càng tăng, nhiều hộ gia đình thiếu đất sản xuất, nhất là các hộ mới lập gia đình. Hơn nữa, hiện nay mực nước hồ Tả Trạch dâng rất cao so với năm 2016, nhiều gia đình bị mất đất sản xuất do ngập nước, nên dẫn đến nguy cơ xảy ra chặt phá rừng, xâm lấn rừng lấy đất sản xuất là rất lớn. Bên cạnh đó khi mở đường quốc phòng 74 nối 2 huyện Nam Đông- A Lưới, đường La Sơn - Túy Loan cùng với lòng hồ Tả Trạch rộng thì nguy cơ khai thác, vận chuyển lâm sản sẽ gia tăng.

Để ngăn chặn hạn chế chặt phá rừng, xâm lấn rừng và và khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép, HKL H. Nam Đông đề ra một số giải pháp như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chủ rừng Nhà nước thực hiện phòng chống chặt phá rừng. Thúc đẩy các cộng đồng, hộ gia đình được giao rừng tăng cường các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các  đơn vị tuần tra bảo vệ rừng và tổ chức truy quét có hiệu quả các điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng như cập nhật ảnh viễn thám để sớm phát hiện các vụ phá rừng...

H.Lan

Tang vật một vụ khai thác gỗ trái phép được lực lượng chức năng phát hiện.  Một khoảnh rừng tại X.Hương Phú (H.Nam Đông) từng bị dân chặt phá để trồng keo.