Rừng phòng hộ Sông Kôn bị tàn phá

Thứ năm, 29/03/2018 16:00

Tại Quảng Nam, do sự quản lý lỏng lẻo của các ban quản lý rừng phòng hộ (chủ rừng) nên hiện nay nhiều diện tích rừng phòng hộ, nơi có những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại bị xâm hại nghiêm trọng. Trong những ngày qua, chúng tôi đã có chuyến thâm nhập thực tế vào khu vực rừng Phòng hộ Sông Kôn (H. Đông Giang, Quảng Nam), qua đó đã chứng kiến cảnh "lâm tặc" xẻ thịt những cây cổ thụ hàng trăm tuổi...

Những gốc cây có đường kính 3 người ôm bị đốn hạ.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, ngày 27-3, chúng tôi tiếp cận khu vực vùng rìa của rừng phòng hộ Sông Kôn (thuộc xã Tà Lu, H. Đông Giang). Biết chúng tôi đi tìm hiểu về tình trạng phá rừng nơi đây, người dân địa phương rất phấn khởi. Họ cho biết, việc phá rừng diễn ra nhiều năm qua, mặc dù đã nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không thấy giải quyết. "Trước đây, cứ đến khuya thì xe tải chạy ầm ầm, nhưng không biết sao dạo này không thấy nữa. Chắc do bị động rừng rồi. Khu vực "lâm tặc" hoạt động nằm tại khu rừng giáp ranh xã Tà Lu và xã Jơ Ngây"- anh Alăng C. cho biết. Người dân phản ánh là thế, nhưng khi chúng tôi nhờ người dẫn vào các điểm rừng bị phá thì họ từ chối vì sợ bị trả thù, họ chỉ nói đường cho chúng tôi tự vào.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi chạy xe máy 30 phút thì đến đường vào rừng phòng hộ Sông Kôn. Đi sâu vào bên trong, những con đường mòn hiện ra chằng chịt. Do không có người dẫn đường nên chúng tôi bị mất phương hướng. Phải nhiều giờ men theo những đường mòn, chúng tôi mới thấy dấu vết của "lâm tặc". Tiếp tục vào bên trong, chúng tôi phát hiện một chòi lá có nhiều phách gỗ nằm ngổn ngang nhưng vắng bóng người. Men theo lối đường mòn, chúng tôi rẽ vào hướng có dấu trâu kéo, đi tiếp  30 phút, khi đến vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Kôn, trước mắt chúng tôi là những cây gỗ lớn đã bị đốn hạ để xẻ gỗ. Có những cây cổ thụ 3 người ôm, gỗ đã được lấy đi hết chỉ còn lại trơ gốc. Bên cạnh những cây rừng bị đốn hạ là những cây keo được trồng đã cao gần 2m.

Đường mòn trâu vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Trở ra con đường chính, tiếp tục đi theo dấu vết mới, chúng tôi bắt gặp nhiều vết mòn trâu kéo gỗ đã hằn sâu gần 1 mét, điều đó cho thấy quá trình khai thác, vận chuyển gỗ ở đây đã diễn ra trong thời gian dài. Ngồi nghỉ chân bên con suối nhỏ, chúng tôi bắt gặp một lán trại nằm dưới chân một ngọn núi cao với nhiều phách gỗ hỏng bị vứt lại nằm ngổn ngang. Cạnh con suối nhỏ có một lối mòn, đây là "đường đi" của gỗ được "lâm tặc" thả cho gỗ từ trên cao chạy xuống. Từ lối mòn này, chúng tôi tìm cách đi vòng lên ngọn núi vì sợ "lâm tặc" phát hiện. Sau 1 giờ tiếp tục chui rúc trong cánh rừng già, chúng tôi đã tiếp cận được vị trí mới mà "lâm tặc" đang xẻ thịt rừng phòng hộ.

Tại hiện trường khu vực này, chỉ trong vòng bán kính 100m2  đã có hàng chục cây gỗ lớn, đường kính từ 0,8-1,2m bị các đối tượng vừa đốn hạ, dấu vết vẫn còn rất mới. Các loại gỗ chủ yếu là gỗ chò, dỗi... Thủ đoạn của bọn chúng là xẻ gỗ tại chỗ rồi lao gỗ xuống chân núi, sau đó dùng trâu kéo ra khỏi rừng. Hiện trường để lại vẫn còn nhiều phách gỗ, đoạn gỗ lớn mà các đối tượng chưa kịp tẩu tán. Tiếp tục di chuyển vào sâu trong vùng lõi, chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ cách đây vài tháng, bìa gỗ đã khô và những gốc cây cũng ngả màu thời gian. Điều đó cho thấy hoạt động khai thác của "lâm tặc" diễn ra quy mô trong một thời gian dài.

Do thời gian không cho phép, chúng tôi trở ra khỏi rừng dù biết phía trong rừng phòng hộ này vẫn còn nhiều khu vực bị "lâm tặc" chặt phá, xẻ thịt theo như tiết lộ của người dân. Được biết, rừng phòng hộ Sông Kôn có diện tích 25.580,04ha trên địa bàn 9 xã: Tà Lu, Sông Kôn, Jơ Ngây, A Ting, xã Ba, xã Tư, Za Hung, Cà Dăng và xã Đại Hưng (H. Đại Lộc).





Những thân cây gỗ, phách gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Trưa 28-3, đem câu chuyện phá rừng mà chúng tôi vừa ghi nhận thực tế trao đổi với ông Đinh Văn Hươm- Chủ tịch UBND H. Đông Giang, ông Hươm cho biết, địa phương cũng vừa nhận được thông tin và đã chỉ đạo cho các đơn vị vào cuộc xác minh làm rõ. Theo ông Hươm thông tin thì khu vực rừng phòng hộ bị các đối tượng xâm hại thuộc khoảnh 1 và 3, Tiểu khu 141, một số khoảnh khác thuộc tiểu khu 40, thuộc sự quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam).

"Trong các cuộc họp, nhiều đơn vị báo cáo công tác bảo vệ rừng tốt, nhưng xảy ra sự việc này nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn vì đã buông lỏng quản lý. Hiện tại, UBND H. Đông Giang đã chỉ đạo cho các ngành chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vai trò của từng đơn vị, cá nhân để xảy ra vụ phá rừng trên nhằm tiến hành xử lý nghiêm đúng người, đúng trách nhiệm, đúng mức độ, theo quy định của phát luật"- ông Hươm nhấn mạnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin tới độc giả những nội dung liên quan đến vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.

LÊ VƯƠNG