Rừng pơ-mu nguyên sinh ở Đắk Lắk tiếp tục bị khai thác trái phép
Rừng pơ-mu nguyên sinh phần lớn nằm ở độ cao 1.600m, dọc núi Chư Yang Sin và khu vực rừng tự nhiên ở H. Krông Bông (Đắc Lắk) cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do là loại gỗ quý hiếm nên trong những năm qua, bất chấp các quy định của pháp luật, các đối tượng đã liều lĩnh xâm nhập vào rừng thực hiện hàng loạt vụ khai thác trái phép gỗ pơ-mu với quy mô lớn, khiến rừng pơ-mu ở Đắk Lắk có nguy cơ bị “xóa sổ”.
Lực lượng CAH Krông Bông chặn bắt “lâm tặc” dùng trâu kéo gỗ và phát hiện thu giữ số gỗ pơ-mu khai thác trái phép xuống núi. |
Sáng 19-2, CAH Krông Bông cho biết, đơn vị đang mở rộng điều tra triệt phá đường dây khai thác và vận chuyển trái phép gỗ pơ-mu thuộc nhóm IIA, xảy ra tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý.
Theo Đại tá Nguyễn Quang TrungTrưởng CAH Krông Bông, nhóm đối tượng trong đường dây khai thác và vận chuyển trái phép gỗ pơ-mu này là người địa phương, sinh sống tại xã Cư Đrăm (H. Krông Bông) thường lên rừng nguyên sinh thuộc Tiểu khu 1219 do Công ty TNHH lâm nghiệp Krông Bông quản lý nằm trên địa bàn xã Yang Mao để khai thác lâm sản trái phép, chủ yếu là gỗ pơ-mu. Qua theo dõi, trung bình mỗi lượt các đối tượng lên rừng khai thác gỗ trong thời gian khoảng năm đến bảy ngày, có mang theo đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm. Nhóm đối tượng này phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từ tìm cây gỗ, cưa hạ cây, bôi mực, đánh dấu, xẻ gỗ ra thành quy cách, điều khiển xe cầu đẩy, kéo tời… Sau đó, các đối tượng thường sử dụng trâu để lên vị trí khai thác lâm sản trái phép và kéo gỗ dọc theo tuyến đường mòn trên rừng về tập kết rải rác trong khu dân cư thuộc thôn 1, thôn 2, xã Cư Đrăm chờ đến khi có các đầu nậu đến mua sẽ bán lại nhằm thu lợi bất chính.
Sau một thời gian theo dõi, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế CAH Krông Bông đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị thành lập tổ công tác đặc biệt với 25 cán bộ, chiến sĩ tham gia, chia thành ba nhóm tiến hành theo dõi, mật phục các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tại khu vực Núi Voi Kéo thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông quản lý, nằm trên địa bàn xã Cư Đrăm, H. Krông Bông. Sau một thời gian mật phục, tối 12-2- 2021 (tức ngày mồng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu) đến rạng sáng 14-2- 2021 (đêm mồng 3 Tết), tổ công tác đã bắt quả tang sáu đối tượng đang dùng năm con trâu kéo gỗ trái phép, gồm: N.V.C (34 tuổi); N.T.G. (39 tuổi); Đ.T.T (39 tuổi); N.H.Đ. (34 tuổi); Đ.X.H (34 tuổi) và N.Q.C (38 tuổi, cùng trú xã Cư Đrăm). Tại hiện trường, lực lượng chức năng tạm giữ 5 con trâu, 9 phách gỗ pơ-mu có khối lượng khoảng 7m3 , 4 xe máy độ chế, 1 cưa máy (cưa lốc)...
Qua quá trình đấu tranh, ban đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và khai ra một số đồng phạm. Tiếp đó, CAH Krông Bông đã tiến hành tạm giữ thêm ba đối tượng là: N.V.S (23 tuổi); Đ.V.T (25 tuổi) và N.Q.T (27 tuổi, cùng trú xã Cư Đrăm). Hiện, CAH Krông Bông đang khẩn trương đấu tranh với các đối tượng nhằm làm rõ hành vi vi phạm, đồng thời tổ chức khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong năm 2020, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (H. Krông Bông) cũng đã phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, Tiểu khu 1219 có một số đối tượng đang khai thác gỗ trái pháp luật, khi bị phát hiện các đối tượng đã bỏ chạy trốn vào rừng nên không bắt giữ được đối tượng nào. Lực lượng tuần tra đã tiến hành mở rộng kiểm tra hiện trường tại các lô 8, 9, 11, 13 khoảnh 4 Tiểu khu 1219 thì phát hiện có 19 cây gỗ pơ-mu bị cưa hạ, trong đó có một cây đã bị lấy đi phần thân, ba cây đã cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Qua đo đếm sơ bộ ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219m3 thuộc loại rừng phòng hộ. Ngay sau khi phát hiện vụ khai thác rừng pơ-mu trái pháp luật này, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông đã ban hành quyết định trưng cầu giám định các nội dung về khối lượng, chủng loại gỗ, vị trí khai thác, loại rừng… để hoàn tất hồ sơ xử lý hoặc chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
N.D