Rừng Tây Nguyên đang “hói” dần (Bài 1: Tan hoang những cánh rừng)

Thứ ba, 14/07/2020 14:00

Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ đến những cánh rừng bạt ngàn, những cây cổ thụ trăm năm tuổi, thế nhưng giờ đây, rừng Tây Nguyên đang “hói” dần. Vấn nạn phá rừng vẫn đang rất nhức nhối tại các địa phương Tây Nguyên, bởi rừng vẫn là “miếng mồi” ngon của “lâm tặc” nên chúng sử dụng mọi thủ đoạn để tàn sát rừng. Chỉ tính riêng trong 1 năm qua, đã có trên chục nghìn héc-ta rừng ngã xuống bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Những cây thông 5 lá đặc hữu bị cưa hạ trong suốt thời gian dài, hàng trăm khối gỗ đã bị đưa ra khỏi rừng nhưng chủ rừng, địa phương không hề phát hiện.

Chính quyền, ngành chức năng buông lỏng quản lý

Chỉ trong vòng 1 tháng, H. Đăk Đoa (Gia Lai) trở thành “điểm nóng” khi liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng. Từ phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ, thậm chí cả cánh rừng thông 5 lá đặc hữu của Việt Nam cũng bị các đối tượng xâm hại. Điều đáng lo ngại, gỗ lậu vẫn cứ ùn ùn ra khỏi rừng, “lâm tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài nhưng chủ rừng, chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Mới đây nhất, qua công tác nghiệp vụ, CAH Đăk Đoa đã phát hiện 1 vụ phá rừng với số lượng lớn tại Tiểu khu 406 và 408 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đăk Đoa. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định “lâm tặc” đã cưa hạ trái phép 41 cây gỗ (tương đương cả trăm m3 gỗ) đã bị đưa ra khỏi rừng. Điều này cho thấy các ngành chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tương tự, cánh rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã Sró (H. Kông Chro, Gia Lai) quản lý và bảo vệ liên tiếp bị xâm hại trong nhiều năm qua. Đỉnh điểm là vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tình trạng khai thác gỗ trái phép rầm rộ hơn bao giờ hết. Nơi đây, hàng chục cây gỗ dỗi với đường kính trên dưới 1m đã bị đốn hạ. Điều lạ là, ở nhiều gốc cây bị đốn hạ có đánh dấu của ban lâm nghiệp xã kiểm kê năm 2019. Thế nhưng, trong báo cáo của UBND xã Sró thì năm 2019, địa phương chỉ phát hiện 3 vụ cất giấu lâm sản trái phép với khối lượng chỉ vài khối gỗ, còn những vụ việc phá rừng hoàn toàn không được nhắc đến trong báo cáo.

Với hơn 2.000ha được giao quản lý, cánh rừng phòng hộ nơi đây được xem là giữ nguồn nước cho dân làng dưới chân núi. Bên cạnh đó, hàng năm UBND xã được nhận hàng trăm triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó có nguồn phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thế nhưng, những cánh rừng nơi đây đang bị xâm hại nghiêm trọng, nỗi lo thiếu hụt nguồn nước hiện hữu với những ngôi làng nơi đây. Tình trạng phá rừng diễn ra âm ỉ, kéo dài khiến lãnh đạo địa phương cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng chức năng cũng như chính quyền UBND xã nơi đây.

Những cây sao xanh cả trăm năm tuổi tại cánh rừng phòng hộ của xã Sró (H. Kông Chro, Gia Lai) bị cưa hạ, một phần thân gỗ đã bị các đối tượng đưa ra khỏi rừng.

Chủ rừng “bất lực”!

Không chỉ khai thác gỗ, mà tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở Tây Nguyên vẫn nóng và phức tạp. Mới đây, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã xác định có cả trăm héc-ta  rừng giáp ranh giữa các huyện: Ea Kar, Krông Bông, M’Đrăk thuộc quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (viết tắt: Cty LN) bị đốt phá, lấn chiếm. Theo kết quả kiểm tra sơ bộ, đã có khoảng 130-140ha rừng đã bị đốt phá, lấn chiếm.

Trong số đó, có 10-15ha có cây gỗ lớn, cây đường kính trung bình 10-30cm bị cắt hạ, phá trắng toàn bộ, còn hơn 100ha là cây bụi, cây gỗ, tre nứa rải rác và cây tái sinh. Tại hiện trường, ngay tại cánh rừng thuộc Tiểu khu 704 lâm phần Cty Lâm nghiệp Ea Kar là cảnh tan hoang, rừng bị đốt phá nghiêm trọng. Hầu như không có quả đồi nào ở khu vực này còn nguyên vẹn, tất cả đều bị đốn hạ, đốt cháy để trở thành đất rẫy. Ông Nguyễn Văn Hậu - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2 (Cty LN Ea Kar) biện minh: “Hiện Trạm quản lý 386ha, địa bàn rộng mà nơi đây cũng chỉ có 3 cán bộ, nhân viên. Bây giờ, quản lý thực chất thì đi không nổi vì địa bàn quá rộng”.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có khoảng 140ha rừng bị đốt phá, lấn chiếm làm rẫy.

Cách Tiểu khu 704 chừng 20km, tại Tiểu khu 701 thuộc lâm phần Cty LN Ea Kar, giáp ranh giữa xã Cư Bông (H. Ea Kar) và xã Cư San (H. M’Đrăk), rừng càng bị đốt phá nghiêm trọng hơn. Thậm chí, những cây gỗ lớn cũng bị chặt hạ rồi đốt cháy không thương tiếc. Vụ việc vẫn đang được các ngành chức năng của H. Ea Kar cùng chính quyền địa phương phối hợp điều tra, khám nghiệm hiện trường, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định. Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định đối tượng phá rừng, đốt rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp là những người dân tộc Mông đang sinh sống tại xã Cư Pui (H. Krông Bông) và xã Cư San (H. M’Đrăk).

Cũng vào đầu năm 2020, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đăk Lăk đã khởi tố vụ án , khởi tố bị can 4 cán bộ của Cty LN Ea Kar để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 4 bị can nói trên được xác định được giao nhiệm vụ quản lý tại phân trường 1, thuộc lâm phần Cty LN Ea Kar nhưng  những cán bộ này đã thiếu trách nhiệm, để các đối tượng lâm tặc khai thác rừng trái phép trong thời gian dài, gây thiệt hại lớn.

Đây cũng chỉ là số ít trong những cánh rừng từng được xem là đại ngàn của Tây Nguyên này đang bị tàn phá từng ngày. Nhiều cánh rừng khác tại H. Kon Plông (Kon Tum), H. Kbang (Gia Lai), H. Ea Kar (Đăk Lăk)... cũng chung số phận bởi bàn tay con người. Rừng cứ ngã xuống bất chấp những nỗ lực quản lý, bảo vệ của các ngành chức năng và địa phương.

MINH TÂN (còn nữa)

Bài 2: Gỗ lậu đi về đâu?