Rừng thông Caribe tiếp tục bị tàn phá
(Cadn.com.vn) - Rừng thông Caribe thuộc tiểu khu 11, 16 và 4A, rừng đặc dụng Nam Hải Vân (RĐDNHV), TP Đà Nẵng đang ngày càng bị thu hẹp. Lâm tặc đã không thương tiếc vừa ngang nhiên cưa đứt vừa chơi bài “tùng xẻo” để cho những cây thông lớn sống dở chết dở. Thực tế này cho thấy, nếu không có phương pháp bảo vệ hiệu quả thì chắc một ngày không xa, số thông quý sẽ bị khai tử...
![]() |
Hàng trăm cây thông Caribe đã bị đốn hạ ngay sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành ngừng hoạt động. |
Triệt hạ theo kiểu... “tùng xẻo”
Sáng 19-9, tức là sau 1 tháng Đoàn kiểm tra liên ngành (ĐKTLN) vụ phá hoại rừng thông Caribe thuộc RĐDNHV ngừng hoạt động, chúng tôi có chuyến thực tế tại các tiểu khu 11, 16 và 4A, nơi đang bảo tồn loại thông quý có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Nơi chúng tôi dừng chân thực địa là Tiểu khu 11, hàng trăm gốc thông có tuổi thọ cao chỉ còn lại nhựa cây và cành lá vừa úa màu. Từ phía con đường lên Nhà máy nước Nam Hải Vân, qua hàng chục lối mòn, chúng tôi còn thấy nhiều người đi mót cành thông và những chiếc xe đạp giấu kín trong bụi rậm. Hỏi ra mới biết đây là những người mót cành và lá thông. Vượt qua những đống củi nhỏ chất bên ta-luy dương của Tiểu khu 11, chúng tôi chứng kiến một vạt rừng đã tan hoang 4 tháng trước. Bên cạnh những gốc thông cỡ một người ôm đã khô, có hàng chục gốc thông Caribe khác đang ứa những giọt nhựa tươi rói – dấu vết chứng minh nó vừa bị chặt chưa lâu. Càng đi sâu vào Tiểu khu 11, những gốc thông cỡ nửa mét nằm trơ trụi lại càng nhiều.
Một người đàn ông trạc tuổi 50, cho biết: Nếu người chặt hạ cây thông to bán được tiền triệu thì ông cũng được cỡ gần trăm ngàn khi “ăn xái” lại cành và lá thông. Một điều rất đặc biệt so với những đợt chặt phá trước khi ĐKTLN hoạt động chính là việc xuất hiện nhiều cây thông Caribe sống mà như chết. Quan sát trên thân cây thì thấy có nhiều vết chặt sâu, cây nào khỏe thì lá héo, cây nào yếu thì lá đã chuyển vàng. Đây chính là mánh lới mới của những kẻ tàn sát rừng. Lâm tặc xác định, nếu không vận chuyển được trực tiếp thì cứ chặt cho thông chết mòn rồi quay lên đốn hạ sau và nếu bị bắt thì đổ thừa là do... thông chết!. Chuyện này được cán bộ BQL RĐDNHV cho biết: Đêm 11 rạng ngày 12-9, trong lúc tuần tra, lực lượng kiểm tra phát hiện cùng lúc 7 cây thông Caribe bị đốn. Một số cây nằm rạp còn một số cây khác thì bị cưa nhưng chưa đổ. Lực lượng kiểm tra xác định đây không chỉ đơn thuần là vụ phá hoại vì mục đích kinh tế mà còn có thể là một hành động dằn mặt, trước là phá hoại để hù dọa lực lượng kiểm tra, và nếu họ không tận thu những cây thông này thì bọn chúng sẽ quay lại đốn trong ngày một ngày hai.
![]() |
Một trong số rất ít gỗ thông bị phát hiện và thu giữ. |
Bảo vệ rừng đặc dụng Nam Hải Vân, làm được không?
Sau đợt lâm tặc tấn công rừng thông đặc dụng Caribe ở Nam Hải Vân mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định thành lập ĐKTLN gồm các lực lượng như CA, KL, Quận đội Liên Chiểu, ĐBP 244, chính quyền P. Hòa Hiệp Bắc, BQL RĐDNHV ra quân để bảo vệ rừng. Nhưng sau khi ĐKTLN ngừng hoạt động do hết kinh phí (15-8-2008), lâm tặc đã trở lại tấn công rừng thông quý này. Sáng 19-9, trao đổi với chúng tôi về việc phần lớn trong số 300ha rừng thông Caribe có nguy cơ bị xóa sổ, ông Trần Huy Độ - Trưởng BQL RĐDNHV- không khỏi lo lắng: “BQL chúng tôi chỉ có 5 người ở hiện trường, rất khó để kiểm soát được tình hình.
Cả 3 tiểu khu có thông Caribe là 11, 16 và 4A hiện đang rất mỏng lực lượng. Cứ lập ĐKTLN là ổn bởi chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn”. Ngay trong khuôn viên của BQL, 2,4m3 gỗ thông tươi rói cũng vừa được tịch thu cách đây mấy hôm mà không thể xử lý. Số gỗ này là do các đối tượng đã đốn hạ phía Tiểu khu 4A (khu vực đường đèo Hải Vân) chuẩn bị chất lên tàu để chuyển về phía Kim Liên. Cứ theo trình bày của ông Độ thì với 10 cán bộ nhân viên, trong đó 5 người phải thường xuyên túc trực tại BQL thì chỉ có 5 người “bao sân” từ khu vực xã Hòa Bắc về đến tiểu khu 11, 16 và ra đến Tiểu khu 4A, số này không thể đảm đương được nhiệm vụ. Chỉ tính riêng việc bảo vệ 300ha rừng thông Caribe đã là quá khó khăn.
Trước câu hỏi “Làm thế nào để bảo vệ RĐDNHV có hiệu quả?”, ông Độ cũng như BQL RĐDNHV trình kế: “Chỉ có chính quyền bàn giao đất rừng cho dân quản lý và lấy phương án sáp nhập Hạt KL Liên Chiểu và BQL làm một thì mới có cơ may cứu diện tích rừng còn lại”. Lý do mà ông đưa ra nằm ở hai góc độ. Về phía người dân, chỉ có việc sở hữu đất mới làm cho họ yên tâm trồng trọt và bảo vệ rừng, vì nếu có quyền sở hữu thì họ mới chăm lo và hưởng lợi. Về phía cơ quan chức năng, hiện tại BQL chỉ có chức năng quản lý chứ không đủ thẩm quyển xử lý, nếu có phát hiện người dân phá rừng cũng chỉ tạm giữ chứ không thể thực hiện bất cứ một chế tài nào. Nên phương án tối ưu nhất là sáp nhập với Hạt KL Liên Chiểu để vừa có chức năng tuần tra phát hiện và vừa phối hợp xử lý. Ông Độ kết luận: “Chỉ có giải quyết được vấn đề dân sinh và xác định rõ cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng thì mới hạn chế được vấn đề này”.
![]() |
Theo quan điểm của chúng tôi, việc tàn phá RĐDNHV đã xảy ra từ lâu, khoảng 300ha thông Caribe còn sót lại sau các trận bão đang bị đốn hạ dần, nên công tác quản lý trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. BQL rừng thì nói không đủ quyền hạn xử lý, còn Hạt KL Liên Chiểu thì cho rằng chỉ có BQL mới gần gũi và hiểu rõ hết, mới xử lý được. Vậy việc sáp nhập hai cơ quan này theo cách ông Trần Huy Độ nói có phải là một giải pháp cho sự sống còn của rừng thông Caribe?.
Công Khanh