Rừng tự nhiên ở A Lưới bị “xẻ thịt”

Thứ hai, 03/05/2021 17:10

“Máu” rừng vẫn chảy

Khu vực chặt phá rừng tự nhiên cách trung tâm xã Hồng Thủy khoảng 10km. Tại đây, ngoài những cây gỗ thuộc nhóm IV, V thì còn có cây thuộc nhóm quý hiếm, nhiều cây rừng lâu năm tuổi đã bị đốn hạ không thương tiếc. Không ít gốc cây cổ thụ có bán kính trên 50cm cũng đã bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều cây chỉ còn phần gốc, rìa gỗ, còn phần lõi gỗ đã được di chuyển ra khỏi rừng.

Nhiều cây rừng sau khi bị đốn hạ, đã được lâm tặc cưa xẻ và chưa kịp đưa ra ngoài. 

Tại vị trí rừng bị đốn hạ thuộc lô 8, khoảnh 12, tiểu khu 256 thuộc xã Hồng Thủy, các gốc cây bạng đường kính 60cm, thân cây đã bị cưa xẻ và chuyển khỏi hiện trường. Một vị trí rừng khác bị lâm tặc chặt phá thuộc lô 1, khoảnh 12, tiểu khu 256, có 3 gốc cây Phò Lái, thân cây đã bị cưa xẻ, chuyển khỏi hiện trường. Tương tự, tại lô 6, khoảnh 14, tiểu khu 256 cho thấy, gốc cây Xoan có đường kính từ 60 cm, thân cây đã bị cưa xẻ và chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn lại các tấm gỗ bìa. Theo nhận định của đoàn kiểm tra, thời gian cây này bị chặt hạ vào khoảng tháng 3 năm nay...

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Công an huyện A Lưới và lực lượng liên quan đã kiểm tra. Theo báo cáo gửi cơ quan chức năng, có 10 gốc cây rừng đã bị chặt hạ. Những gốc cây bị đốn hạ có đường kính từ 47-70cm, chủng loại gỗ là: bạng, phò lái, xoan, trám. Khu vực xảy ra vụ phá rừng thuộc khoảnh 12, khoảnh 8, khoảnh 14 thuộc tiểu khu 256, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Chủ rừng là UBND xã Hồng Thủy quản lý và đơn vị này đã giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm quản lý theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP do ông Nguyễn Văn Sỹ (trú thôn Pa Ay, xã Hồng Thủy) làm nhóm trưởng.

Một cây cổ thụ chỉ còn lại gốc, dấu cưa vẫn còn mới.

Trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương

Liên quan đến vụ phá rừng tại khu vực xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), tại buổi họp báo thường kỳ UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vào tháng 4-2021, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, cho biết: Đây là khu vực giáp ranh với huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) rất phức tạp. Khu vực phá rừng nằm xa khu dân cư và hiện nay chưa giao được cho người dân vì xa quá và tạm thời giao cho UBND xã Hồng Thủy quản lý. Theo Nghị định 75, Nhà nước cấp ngân sách cho UBND xã Hồng Thủy và xã này đã hợp đồng lại với một nhóm cộng đồng ở thôn Pa Ay do ông Nguyễn Văn Sỹ làm nhóm trưởng để quản lý bảo vệ khu rừng này. Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương thì cho rằng, để xảy ra tình trạng phá rừng, trước hết là trách nhiệm của chủ rừng được giao khoán, tiếp đến chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng giữ rừng liên quan.

Trước tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp ở Thừa Thiên - Huế, ngày 26-4, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3439/UBND-NN, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của chủ rừng, các đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, lấn, chiếm rừng. Sở NN&PTNT tỉnh phải chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trường hợp để tái diễn xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng nghiêm trọng trong phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn nhưng không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, lãnh đạo đơn vị liên quan phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

HẢI LAN