Gian nan cuộc chiến giữ rừng:

Rừng Yok Đôn không bình yên

Thứ ba, 13/06/2017 10:37

(Cadn.com.vn) - Tại hội nghị "Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020" tổ chức ở Đắc Lắc giữa tháng 6-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: "Kiên quyết đóng cửa tất cả rừng tự nhiên để cứu rừng...". Thủ tướng cho rằng việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng  trong những năm qua là hết sức nghiêm trọng, nếu không sớm ngăn chặn thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong chuyến đi thực tế tại một số địa phương miền Trung-Tây Nguyên mới đây, chúng tôi đã ghi nhận về những khó khăn trong công tác giữ rừng thời gian qua...

Gỗ rừng Yok Đôn bị kiểm lâm thu giữ.

Mở đầu câu chuyện, ông Đỗ Quang Tùng-Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, khảng khái: "Với rừng Yok Đôn thì chẳng thể nào đóng cửa được, vì bao quanh rừng chỗ nào chẳng là cửa, chỗ nào cũng tiếp giáp với khu vực dân sinh, chỗ nào cũng là đường đi lối lại...". Ông Tùng khái quát, Vườn quốc gia nằm trên 7 xã thuộc 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Cư Jút tỉnh Đắc Lắc,  cách TP Buôn Ma Thuột 40km về phía Tây Bắc. Vườn có tổng diện tích lên đến hơn 1.500 ha, bao gồm các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, vùng đệm có diện tích hơn 134.000 ha, bao gồm các xã xung quanh. Vườn quốc gia nằm trên diện tích bằng phẳng, điểm cao nhất là 2 ngọn núi nhỏ so với bình địa chỉ hơn 500m, phía Nam sông Serepok, chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng khộp, đây là loại rừng đặc biệt duy nhất ở Việt Nam. Rừng là một quần thể đa dạng sinh học, với 464 loài thực vật, trong đó có những loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, hương, cà te, căm xe, thủy tùng... 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát... trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như voi rừng, trâu rừng, bò tót, nai cà tông, hổ, sói đỏ...

Xe công nông-phương tiện chuyển gỗ của lâm tặc ở Yok Đôn.

Nhiều năm qua, Vườn quốc gia Yok Đôn là một điểm nóng về vấn đề chặt phá, khai thác rừng, săn bắn động vật hoang dã trái phép. Ngành chức năng, các cấp chính quyền và Ban quản lý Vườn quốc gia luôn phải đối mặt với tình trạng săn bắt, xâm lấn đất đai và nguy cơ cháy rừng... Ông Tùng bộc bạch: "Tôi từ Tổng cục Lâm nghiệp tận Hà Nội vào đây nhận nhiệm vụ giám đốc mới gần 2 năm... Nói thật với các anh, bước xuống sân bay Buôn Ma Thuột, đập vào mắt là những cặp độc bình bày bán la liệt từ sân bay về thành phố, là người gắn bó cả đời với rừng, tôi hiểu ngay, vậy thì còn đâu rừng nữa ! Bởi để có mỗi cặp độc bình thế kia, người ta phải chặt cả cây gỗ, rừng hết là đúng rồi...".

Có thể khẳng định, cả tỉnh Đắc Lắc, bây giờ chỉ còn lại những diện tích trên Vườn quốc gia Yok Đôn là còn rừng, nhưng không cẩn thận sẽ mất, sẽ hết trong nay mai, với tốc độ tàn phá rừng khủng khiếp trong thời gian qua. Ông Tùng bảo, lương giám đốc của ông chỉ 10 triệu đồng một tháng, vợ con ngoài quê Nam Định, nhưng ông có "duyên", trót nặng nợ với rừng. Hồi mới vào nhận chức, xảy ra mấy vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng, kiểm lâm vườn Yok Đôn bắt, xử lý... Đã có mấy "quan chức" hàng tỉnh điện tới ông nhờ vả, xin xỏ nhưng ông từ chối thẳng thừng: "Tôi "bỏ qua" cho các anh, thì ai "bỏ qua" cho tôi, tôi nhận chức giám đốc này, rừng tiếp tục mất, tôi chỉ có nước về "đuổi gà" cho vợ, không khéo còn bị bỏ tù nữa là khác, vậy là từ đó không còn chuyện "xin xỏ".

Ông Tùng khẳng định, từ cuối năm 2015 đến nay, nhờ tăng cường các công tác quản lý, bảo vệ rừng, tình trạng xâm hại rừng đã giảm đến 30%. Nếu như năm 2015, một ngày mất 3 cây rừng, đến nay một ngày chỉ còn mất 1 cây. Chúng tôi hỏi, như vậy rừng vẫn bị xâm hại? Đúng-ông Tùng không phủ nhận. Trong quý I-2017, với sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm vườn Yok Đôn trong công tác tuần tra, bám sát địa bàn, cùng sự phối hợp của các ngành liên quan, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 88 vụ vi phạm lâm luật (giảm 26 vụ so với cùng kỳ năm 2016). Tịch thu hơn 24 m3 gỗ các loại, đã có 112 cây rừng bị cắt hạ, giảm 159 cây so với cùng kỳ năm 2016. Tịch thu, tạm giữ 79 phương tiện, công cụ khai thác, vận chuyển gỗ lậu, giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016. Rừng luôn bị đe dọa từ nhiều phía, từ nhiều đối tượng, chỉ riêng cái "nạn" thủy điện thôi, vườn Yok Đôn đã "khốn đốn, vật vã" kêu cứu mấy lần rồi.

Còn nhớ năm 2013, khi chúng tôi đi thực tế thực hiện loạt bài về thủy điện miền Trung-Tây Nguyên, tại Vườn quốc gia Yok Đôn lúc đó đang có dự án thủy điện Đrăng Phook, định ngăn dòng Serepok ngay giữa vùng lõi của vườn quốc gia. Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc vườn quốc gia lúc đó đã có câu nói khảng khái: "Nếu người ta làm thủy điện giữa vườn quốc gia, tôi sẽ từ chức...!". Và sau đó ông phải từ chức thật vì trót đem sổ đỏ của vườn đi thế chấp ngân hàng vay vốn phát triển, bảo tồn rừng. Sự việc tưởng êm xuôi, ai dè giữa năm 2016, dự án thủy điện này do Công ty CP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ làm chủ đầu tư lại ồ ạt, manh nha chiếm dụng gần 300 ha đất Vườn quốc gia Yok Đôn triển khai dự án. Rất may, Bộ TN-MT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đồng ý đề xuất của UBND tỉnh Đắc Lắc không tiếp tục triển khai dự án này. Tuy nhiên, dư luận ở Tây Nguyên vẫn "hồi hộp" không biết vườn Yok Đôn còn "hiểm họa" nào rình rập hay không?

Hồng Thanh-Lê Hùng
(còn nữa)