Ruộng đồng “ngóng” lũ
Vụ đông xuân 2020 - 2021 là một vụ sản xuất thắng lợi, đạt về năng suất, giá trị và lợi nhuận đối với nông dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay dự đoán sẽ gặp khó khăn hơn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Mọi năm, nhiều thì 2 - 3 đợt lũ lớn nhỏ về rửa sạch ruộng đồng, ít thì cũng được1 đợt. Nhưng năm nay, nước trên đồng cạn kiệt trong khi chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là bắt đầu gieo sạ rồi...
Kiên cố hóa kênh mương (đoạn qua xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vụ đông xuân.
Sáng 26-11, người dân ven sông Yên, Túy Loan tiếp tục gia cố lại các ranh ruộng, thu dọn cỏ và bỏ phân chuồng để cày ải đất, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Theo lão nông Nguyễn Sáng (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong), năm 2020, các ruộng đồng nơi đây được “no nê” nước, nhưng năm nay thì lại “ngóng” lũ… Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật. Trước đây, người dân rất sợ lũ bởi lũ gây ra thiệt hại không ít, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, thậm chí còn đe dọa tính mạng con người. Thế nhưng, những năm gần đây, người dân đã quen sống chung với lũ, thậm chí còn mong lũ lớn để ruộng đồng được bồi đắp phù sa, có thêm nguồn lợi do thiên nhiên ban tặng. Năm nào lũ nhỏ, người dân lại cảm thấy buồn vì lo cho cuộc mưu sinh. Mưa lũ nhiều gây thiệt hại lớn nhưng mưa lũ nhỏ quá cũng thiệt hại không kém. Bởi lẽ có lũ lớn tràn bờ, các động vật có hại, cắn phá hoa màu mới trôi đi bớt, đất đai cũng được tái tạo sau 2 mùa gieo sạ.
Với kinh nghiệm bao đời gắn bó đồng ruộng vùng ngập lũ, ông Lê Ngọc Hơn (thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn) cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, khi bông lau nở trắng các bãi bồi thì khả năng không còn đợt lũ nào nữa, kể cả là lụt “hai ba tháng mười âm lịch”. Ông Hơn tiếp tục phân tích những khó khăn mà nông dân phải đương đầu: thứ nhất mất đi lượng phù sa, thau chua rửa mặn thì nông dân phải tăng thêm vật tư phân bón cho lúa; thứ hai là cỏ chim, cỏ chóc không bị lũ ngập nên phát triển mạnh buộc phải tăng thêm lượng thuốc trừ cỏ. “Điều đó đồng nghĩa với chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Nếu phải tăng thêm tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì 5 sào ruộng của tôi năm nay phải mất thêm hơn 1 triệu đồng đầu tư và không biết cuối vụ có còn bị hạn mặn gì nữa không?”, ông Hơn nhẩm tính.
Theo ông Ngô Ngọc Hòe (thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến), toàn thôn có hơn 80ha đất lúa, hoa màu nằm cuối sông Yên. Hằng năm, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, tuy không lớn nhưng cũng phải ngập bờ từ 20 - 30cm, còn dưới chân ruộng phải ngập sâu gần 1m. Thông thường, thu hoạch xong vụ lúa hè thu là nhiều người dân chuẩn bị thuyền bè, lưới đăng chờ nguồn lợi thủy sản. Bây giờ, bà con nông dân buồn hiu vì mất mùa mưu sinh và lo sốt vó cho vụ mùa sắp đến.
Được biết, vụ đông xuân (2021 - 2022) này, Hòa Vang xuống giống 2.400ha, vì vậy, trước tình hình không có lũ, ngành nông nghiệp TP, huyện khuyến cáo người nông dân không nên nóng vội mà phải tuân thủ đúng lịch thời vụ để thuận lợi việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất; đồng thời chủ động tu bổ, sửa chữa và nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng, cũng như đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh trong tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.
VY HẬU