Rượu cần của người Cơ Tu
Già làng Đinh Văn Trí (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phấn khởi trải lòng: "Với bà con Cơ Tu quê mình, uống rượu cần là tập tục không thể thiếu được trong các lễ hội, người dân vùng cao coi rượu cần như một biểu tượng tình đoàn kết, là một nét sinh hoạt mang tính cộng đồng. Trước đây, bà con mình làm rượu theo bí quyết ông cha truyền lại. Cứ 10 ché thì chỉ có khoảng 3 ché đạt yêu cầu. Sau khi lớp con cháu được chính quyền địa phương hỗ trợ tham quan, học tập sản xuất rượu cần tại H. Ea H`Leo (Đắk Lắk) theo Chương trình đạo tào nghề cho lao động miền núi, lúc đó mình mới vỡ lẽ rượu cần cũng phải tuân thủ đúng quy trình thì rượu mới ngon, đỡ tốn nguyên liệu và công sức".
Hộ ông Lê Văn Nghĩa trưng bày sản phẩm rượu cần Phú Túc phục vụ thị trường Tết. |
Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc cho biết, người Cơ Tu nấu rượu cần bằng cơm gạo trắng, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào ủ kín. Tất cả cho vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng đậy ché bằng lá ổi khô rồi bịt miệng. Rượu ủ gần 20 ngày mới có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Việc trộn trấu đòi hỏi cũng cần có tay nghề vì trấu có tác dụng khi cắm cần vào ché rượu, cần rượu không bị tắc. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng sóng sánh như mật ong, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng...
Được biết, cùng với các chương trình tập huấn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan mây tre thì việc UBND xã Hòa Phú xây dựng và phát triển nghề sản xuất rượu cần là hướng đi không chỉ giúp cho đồng bào Cơ Tu ở địa phương bảo tồn, phát huy và quảng bá được nét văn hóa độc đáo với du khách bốn phương, mà còn mở ra một hướng đi tích cực về làm kinh tế, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Trong đó, sản phẩm rượu cần đã được các ngành chức năng TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận hợp quy đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ năm 2015. Điều phấn khởi hơn là những năm gần đây, thương hiệu "Rượu cần Phú Túc" đã được nhiều người biết đến và chất lượng luôn được bà con gìn giữ. Bởi vì, tại các hội thi, hội diễn hay liên hoan văn hóa, văn nghệ trong và ngoài địa phương, hình ảnh rượu cần và ché rượu làm quà luôn có mặt, góp phần quảng bá sản phẩm rượu cần đến với thị trường gần, xa. Bây giờ, dọc tuyến QL14G (đoạn qua thôn Phú Túc), nhiều hộ dân Cơ Tu đã chủ động trưng bày sản phẩm rượu cần ngay trước cổng nhà mình. Chỉ riêng dịp Tết Tân Sửu này, hộ ông Nghĩa sản xuất khoảng 1.000 ché rượu cần (gồm các loại ché 3 lít và 8 lít với giá bán từ 200 - 500 ngàn đồng/ché) phục vụ thị trường.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, Đà Nẵng không chỉ được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến như là điểm kết nối các di sản văn hóa thế giới của 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và nhiều tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng mà còn là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời với chuỗi các làng nghề thủ công truyền thống, gắn bó với đời sống bình dị của người dân thông qua các hoạt động du lịch, lễ hội tại địa phương. "Có thể nói, bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu ở H. Hòa Vang không chỉ có cồng chiêng, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc tượng gỗ, hát lý và vũ điệu tung tung da dá... mà còn có cả ché rượu cần. Sản phẩm rượu cần Phú Túc hiện nay không chỉ tiêu thụ gói gọn ở địa phương mà đã có mặt nhiều nơi, người dân Đà Nẵng đi xa mang làm quà tặng, nhiều khách du lịch từ Bắc chí Nam, khách nước ngoài đến với địa phương cũng thích thú thưởng thức rượu cần và không quên khi về cũng mua vài ché để tiếp tục say men với người thân", Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết thêm.
VY HẬU