TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Rút vốn ra khỏi doanh nghiệp - chiêu trò để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ

Thứ hai, 17/04/2023 11:13
*Bạn đọc hỏi: ông Bình ở Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng) hỏi: Vào tháng 12-2020, Công ty tôi và Công ty X. có ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, tuy nhiên Công ty X. đã không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng mà còn trắng trợn chiếm giữ luôn khoản tiền đặt cọc của chúng tôi. Vì vậy, tháng 10-2021, chúng tôi nộp đơn khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài Thương mại H. để yêu cầu giải quyết vụ việc, buộc Công ty X. hoàn trả tiền cọc, bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh, phạt vi phạm hợp đồng. Tháng 1-2022, Trung tâm Trọng tài Thương mại H. ra phán quyết về buộc Công ty X. phải trả cho chúng tôi tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng. Sau khi có phán quyết, Công ty tôi đã nộp hồ sơ yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án để yêu cầu giải quyết. Tháng 4-2022, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã ra quyết định thi hành án về việc thi hành phán quyết nêu trên. Sau khi có quyết định thi hành án, Công ty X. đã gỡ bỏ biển hiệu, không hoạt động trên thực tế; đồng thời, tháng 7-2022, các thành viên Công ty X. đã rút 90% số vốn đã góp ra khỏi Công ty X. (giảm vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng). Từ khi có phán quyết trọng tài đến nay, Công ty X. không thực hiện nghĩa vụ trả tiền và theo xác minh của cơ quan thi hành án thì Công ty X. không có tài sản để thi hành án. Cho tôi hỏi, việc làm của các thành viên Công ty X. có vi phạm pháp luật không? Nếu có, Công ty tôi nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình.
Luật sư Đặng Văn Vương.
Luật sư Đặng Văn Vương.

*Luật sư Đặng Văn Vương - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Cẩm Lệ, trả lời:

1. Hành vi rút vốn của các thành viên Công ty X. có trái với quy định pháp luật không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Căn cứ Khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây: “Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 2 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên”. Theo đó, việc các thành viên Công ty X. thực hiện rút 90% số vốn đã góp (tương đương 45.000.000.000 đồng) ra khỏi Công ty X. trong khi Công ty X. đang không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty của bạn theo phán quyết của trọng tài và quyết định của Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng là vi phạm pháp luật. Rõ ràng hành vi rút vốn của các thành viên Công ty X. có dấu hiệu tẩu tán tài sản (chuyển tài sản từ Công ty X. sang thành viên dẫn đến Công ty X. không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho Công ty của bạn) nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của Công ty X. đối với Công ty bạn. Đây là một trong những chiêu trò không hiếm gặp trên thực tế của một số doanh nghiệp nợ. Như vậy, việc rút vốn của các thành viên Công ty X. trong khi công ty này đang có khoản nợ phải thanh toán cho Công ty của bạn là hành vi trái với quy định pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty của bạn.

2. Công ty bạn cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Điều 70 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Trường hợp hoàn trả một phần vốn góp do giảm vốn điều lệ trái với quy định tại khoản 3 Điều 68 của bộ luật này hoặc chia lợi nhuận cho thành viên trái với quy định tại Điều 69 của bộ luật này thì các thành viên công ty phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty tương ứng với số tiền, tài sản chưa hoàn trả đủ cho đến khi hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận.” Theo đó, các thành viên Công ty X. có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ số tiền đã rút vốn khỏi Công ty X.; phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty X. đối với Công ty của bạn. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty bạn nên thực hiện ngay các biện pháp pháp lý sau đây:

+ Thứ nhất, bạn cần thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm của các thành viên Công ty X. và Công ty X.;

+ Thứ hai, khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu các thành viên Công ty X. phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty X. đối với Công ty của bạn.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425