Sa Pa - miền cổ tích
(Cadn.com.vn) - Con đường từ Lào Cai đến Sa Pa dài và đẹp. Có những khúc quanh hiểm trở khiến tôi có cảm giác như lao xuống vực sâu. Nắng chiều trải dài trên những dãy núi hùng vĩ và hoang sơ. Hàng cây sa mộc bên đường chìm dần trong sương mù, thấp thoáng bóng những cô gái HMông trên sườn núi cheo leo cùng những cánh đồng lúa bậc thang ngút ngàn dưới thung lũng. Vẻ đẹp mộc mạc, hoang dã và hút hồn của núi rừng Sa Pa khiến du khách ngẩn ngơ như lạc vào miền cổ tích đầy bí ẩn.
XỨ SỞ MÙ SƯƠNG
Tháng Tư. Tôi đến Sa Pa khi tiết trời còn se lạnh. Trên mọi nẻo đường, hoa ban nở trắng xóa, tinh khiết. Con đường mù sương dài hun hút. Vài người HMông hái lá rừng, mắt ngơ ngác nhìn du khách. Một cô bé xinh xắn trong trang phục thổ cẩm thêu hoa văn, mỉm cười, rảo bước nhanh vào những ngôi nhà lá, đơn sơ ẩn mình trong hẻm núi. Các nữ du khách Tây nhâm nhi cà-phê, nhả khói thuốc, mắt mơ màng nhìn về thung lũng Mường Hoa, nơi có bãi đá cổ ngàn năm đầy bí ẩn.
Phố Cầu Mây được gọi là phố Tây ở Sa Pa. Con phố nhỏ bé, chừng 100 m nhưng có sức cuốn hút đặc biệt, sầm uất. Nơi đây chẳng thiếu bất cứ thứ gì so với những thành phố lớn, phục vụ chủ yếu là khách nước ngoài, đủ màu da, ngôn ngữ. Những quán cà-phê mở nhạc xập xình suốt ngày đêm. Một hệ thống các khách sạn, nhà hàng, mua sắm phù hợp với mọi nhu cầu của khách du lịch. Tên cửa hàng đều được viết bằng tiếng Anh, Pháp và Italia như Wine, Chocolat, Pharmacy (thuốc tân dược), Bar Bebop, Pizza, Orchid (phong lan), Foot massage, Body massage... Trong số các dịch vụ phục vụ cho khách Tây, loại hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, xông hơi, massage chân, toàn thân phát triển rất mạnh. Hàng trăm cửa hàng bán thuốc dân tộc như cây lá gan, cà gai leo, hoa atisô, táo mắt mèo, hà thủ ô, nấm linh chi, dịch vụ “tắm lá thuốc” mọc lên như nấm.
Phố Tây có nhiều mối tình HMông – Tây hình thành và đi đến kết hôn. Người dân Sa Pa không ngạc nhiên khi biết những công dân bản làng của mình lấy chồng ngoại quốc. Họ xem đó là chuyện đương nhiên, không hề xa lạ với lối sống văn hóa tại đây. Từ hướng dẫn viên du lịch bản địa, nhiều sơn nữ HMông đã “se duyên kết tóc” với những chú rể mang quốc tịch nước ngoài. Sau hôn nhân, cuộc sống của họ rất hạnh phúc, có vài cặp chia tay sau vài năm chung sống, để lại đứa con mang trong mình dòng máu của hai quốc gia.
Tác giả với những đứa trẻ bán hàng lưu niệm ở bản Tả Van. |
CHINH PHỤC “NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG”
Phan-xi-păng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, kể cả 3 nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9km về phía tây nam, giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, ngọn núi tên là "Hủa Xi Pan", nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Với giá vé 600.000 đồng/người, chúng tôi cùng ngồi trong một cabin, trải nghiệm tuyến cáp treo với cảm giác vô cùng hào hứng khi được tận mắt ngắm nhìn quang cảnh tuyệt đẹp từ bên dưới của đường lên đỉnh Fansipan.
Trước đây, khi lên đỉnh Phan-xi-păng, các nhà leo núi phải mất ròng rã 2 ngày, có khi phải mất mạng như trường hợp của du khách người Anh Aiden Webb. Nay, với hệ thống cáp treo, chỉ mất tầm 15 phút, chúng tôi đã đến ga cuối (tổng cộng có 6 ga). Nhà ga ở độ cao 3.000 m, trên cả những ngọn núi cao, trùng trùng, điệp điệp, mây bồng bềnh vây quanh, trông thật kỳ vĩ. Chúng tôi lạc vào trong những lớp mây trắng dày đặc, không thể nhìn rõ mặt nhau. Trời lạnh căm, không khí loãng, nhiệt độ khoảng 5 độ, gió hú liên hồi, mây sà xuống, đẫm ướt cả áo quần khiến những người yếu bóng vía phải khiếp sợ. Càng gần tới đỉnh, những đám mây trắng huyền ảo dường như che toàn bộ các ngọn núi, một phong cảnh tuyệt đẹp tựa như thiên đường. Gió thổi mạnh không ngớt, thảm thực vật như dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, thấp khoảng 25-30cm, thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần, xen kẽ một số cây thuộc họ cói, hoa hồng, hoàng liên…
Những cơn gió lạnh thốc qua, mặc dù tay đã lạnh cóng nhưng tôi cũng không dừng được sự phấn khích, cầm máy ảnh “lia” nhanh các góc để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất. Mọi người đã bắt đầu chạm tay vào cột mốc ghi dấu “nóc nhà Đông Dương”. Đó là một trụ khối hình chóp bằng kim loại, trên đó có ghi dòng chữ: “Phan-xi-păng 3.143 m”.
NHỮNG ĐỨA TRẺ CỦA NÚI RỪNG
Rời Phan-xi-păng, tôi tìm đến bản Tả Van. Hoàng hôn nghiêng nắng trên những vạt rừng hoang dại. Tả Van nằm yên bình dưới thung lũng Mường Hoa xinh đẹp. Đường vào bản là những lối mòn, uốn lượn quanh theo các ngọn đồi nhấp nhô. Hai bên đường, những thửa ruộng bậc thang xếp tầng nối lớp, được tô điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non.
Tả Van, theo tiếng địa phương, có nghĩa là “vòng cung lớn”, tựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, soi mình trong dòng suối Mường Hoa xanh mát. Đoạn chảy qua bản Tả Van rộng, trở thành bãi tắm lý tưởng đối với người Giáy và cả du khách. Đâu đó, một vài đứa trẻ vui đùa, ngụp lặn trong làn nước trong xanh. Đi theo chúng tôi là những đứa trẻ người HMông, Dao, Giáy,.. Chúng sinh ra, lớn lên như những cây sa mu non giữa đại ngàn. Với đủ lứa tuổi, trẻ em nơi này đều có mái tóc vàng hoe, mặc trang phục dân tộc, đứng thành từng nhóm, bán hàng lưu niệm, làm “hướng dẫn viên” cho du khách. Một góc khác, đứa bé vài tháng tuổi đang ngủ ngoặt ngoẹo trên lưng của người anh cũng chỉ độ 4-5 tuổi. Trên tay cậu bé này là một nắm vòng, móc đeo lưu niệm. Nhìn khuôn mặt ngơ ngác, lấm lem, dáng người loắt choắt, đứng vạ vật các góc đường, lòng tôi không khỏi xót xa. “Cửa hàng” của các em là những mảnh nilon trải trên vỉa hè, bày bán những chiếc túi, móc chìa khóa và rất nhiều thổ cẩm xinh xắn. Không có khách mua hàng, các em lại mở sách, bút ra học bài. Trẻ em ở Sa Pa sớm được dạy những câu hỏi, cách nói chuyện bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những mẫu câu giống y như nhau được lặp lại với du khách từ ngày này qua ngày khác.
Du lịch càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo ở Sa Pa càng lớn. Lợi nhuận thuộc về những người kinh doanh du lịch trực tiếp, còn đồng bào dân tộc chẳng được gì trong sự phát triển đó. Những cậu con trai ít được đi học, nhà có ruộng, họ trồng trọt, chăn nuôi, không có ruộng, họ xuống thị trấn làm thuê cho nhà hàng, quán ăn. Còn các cô gái HMông lớn lên, sớm lấy chồng. Khi con được 3-4 tháng tuổi, chúng lại theo mẹ, theo bà tới thị trấn Sa Pa bán hàng như quãng đời mẹ chúng đã từng như vậy.
Rời Tả Van trong hoàng hôn tĩnh lặng. Những cánh tay nhỏ bé vẫy chào tạm biệt giữa đại ngàn hoang lạnh. Một em trai đen đủi chạy đến, dúi vào tay tôi một con ngựa làm bằng cây cỏ do chính em làm. Khóe mắt cứ cay cay. Tôi về thị trấn khi phố núi đã lên đèn. Ngày mai tôi tạm biệt, để lại sau lưng nỗi nhớ về một Sa Pa cổ kính, sương khói nhưng cũng đầy nỗi niềm của một miền đất hoang dại, hiếu khách.
Văn Khoa