Sắc màu Ba Tơ qua trang viết người Đà Nẵng

Thứ hai, 22/07/2024 10:00

“Sắc xuân Ba Tơ” tập hợp sáng tác của 25 tác giả, trong đó có 22 thành viên của Hội Nhà Văn Đà Nẵng và 3 tác giả ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; là thành quả của một chuyến đi “về nguồn” vỏn vẹn có ba ngày của Hội Nhà Văn Đà Nẵng. Có lẽ, đây là lần đầu tiên có một đoàn nhà văn đi thực tế sáng tác mà có tác phẩm xuất bản về miền đất mình đến, xóa được ấn tượng cho rằng lâu nay các văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác chỉ là đi chơi, phí tiền ngân sách của Nhà nước.

Bìa tập sách “Sắc xuân Ba Tơ”.
Bìa tập sách “Sắc xuân Ba Tơ”.

“Sắc xuân Ba Tơ” cũng là tập sách đầu tiên của Hội Nhà Văn TP Đà Nẵng từ một chuyến thực tế sáng tác sau 21 năm thành lập; dù rằng Hội cũng có nhiều tác phẩm đăng báo từ các chuyến đi khác như Quảng Trị, Kon Tum, Măng Đen, Hòn Kẽm Đá Dừng (Quảng Nam)… trước đây.

Trong chuyến đi này, các nhà văn, nhà thơ đã ghé thăm làng Teng, di tích Trường Lũy, bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, thảo nguyên Bùi Hui… Mỗi địa danh dù chỉ ghé qua nhưng đã thực sự để lại trong lòng văn nghệ sĩ Đà Nẵng niềm thương nỗi nhớ. Mảnh đất Ba Tơ “đã hóa tâm hồn” họ và những tác phẩm được cất cánh từ cảm hứng bất chợt đó. Trước hết, nhan đề tập sách “Sắc xuân Ba Tơ” phải chăng đã ấp ủ niềm hy vọng của người Đà Nẵng về một tương lai mới sẽ đến huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi có cộng đồng dân tộc thiểu số Hrê cùng những ngôi nhà sàn hiền hòa bình dị. Vùng đất này đã thực sự níu bước chân người qua trang viết của các nhà văn Hồ Sĩ Bình, Lê Anh Dũng; và cũng chính nơi này đã để lại cho họ bao suy tư, trăn trở: “Ba Tơ đã làm tôi mê đắm để khi xa phải nhớ hoài về một nơi chốn có đầy đủ những sắc thái của một không gian văn hóa, lịch sử đặc biệt, màu xanh miên viễn của thảo nguyên với cỏ xanh của rừng, sông suối… và ký ức trường lũy được xây dựng đã mấy trăm năm” (tr 25). “Đêm Ba Tơ, chưa xa mà đã nhớ. Thương làng Teng mái nhà sàn thiếu tranh. Thương làng dệt thiếu canh cửi…” (tr 54). Các nhà văn Trần Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thu Sương, Tạ Ngọc Điệp, Hải Đăng, Phạm Minh Thông, Nguyễn Thị Phú… cùng chạm vào ký ức để nhận ra “sông núi Ba Tơ, con người Ba Tơ hiền hòa nhưng ẩn chứa sức mạnh diệu kỳ” (tr 58). Nhà văn trẻ Lệ Hằng tinh tế tìm được những mảng ghép in hình trong sương, từ đó gửi niềm tin vào sự trường tồn giá trị truyền thống: “… chừng nào niềm tin vào những giá trị cốt lõi của người Hrê còn, chừng nào truyện cổ Hrê, âm nhạc dân gian Hrê và những điệu múa Hrê còn thì tâm hồn Hrê còn và người Hrê cũng sẽ còn” (tr 98).

Bên cạnh những tản văn, bút ký, ghi chép, tập sách “Sắc xuân Ba Tơ” còn có sự đóng góp của 12 cây bút thơ. Mỗi người một vẻ, các tác giả đã lan tỏa một sắc màu hy vọng cho mảnh đất trùng điệp núi rừng cùng hai di sản phi vật thể là nghề dệt thổ cẩm và nghệ thuật trình diễn chiêng ba của dân tộc Hrê. Trần Trình Lãm, Mai Hữu Phước trong một chiều Ba Tơ đẫm gió thảo nguyên, mênh mang khúc tình ca sơn nữ: “Ta lạc giữa ngày bình yên của núi/ lạc giữa tay em mềm vỗ cánh chiêng ba”. “Cô gái Hrê mắt có lời/ Y trang thổ cẩm sáng tinh khôi/ Thon thon dáng bước đồi xa khuất/ Nghe vọng chiêng cồng đêm hoa khôi”. Trương Thị Bách Mỵ nghĩ về người mẹ Ba Tơ với tấm lưng nhẫn nại, đôi bàn chân bám đất hiền từ: “Nhịp chiêng ba thu xếp mùa hoa gạo/ Con mang ánh mắt đồng xanh tìm mẹ/ Nụ cười nghé con quen ngõ/ Nhà mình thơm từ tiếng rót nước chè hai”.

Thảo nguyên Bùi Hui đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của các nhà thơ Võ Thị Nhung, Trần Sĩ Kỳ, Đậu Trung Thành, Nguyễn Xuân Tư, Huỳnh Trương Phát, Vạn Lộc, Huỳnh Viết Tư… Cùng nhau ngắm bình minh trên đồng cỏ xanh ngút ngát, Nguyễn Kim Huy nhận ra “thảo nguyên thản nhiên xanh trong nắng và sương” để “Lòng anh một sáng Bùi Hui/ Bỗng xanh như thể nụ đời đôi mươi”. Qua những vần thơ, Đinh Thị Như Thúy cảm thấu âm thanh và sắc màu riêng biệt của thảo nguyên: “Bình minh Bùi Hui thoáng mùi nhựa sim/ Bình minh Bùi Hui rộn ràng tiếng gió”. Giữa màu xanh miên man của cỏ, Nguyễn Minh Hùng nghĩ về một loài cỏ khác: “Người ở đây cũng hóa cỏ nếu không muốn làm kẻ lạc loài nên dường như chẳng chút ưu tư nào nữa trong thực tâm biêng biếc Bùi Hui”. Rõ ràng, mỗi văn nghệ sĩ có một cách diễn đạt riêng, dù chưa thật xuất sắc nhưng họ lan tỏa vào độc giả tình yêu, sự gắn bó với Ba Tơ cùng niềm mong mỏi những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc theo thời gian sẽ mãi trường tồn.

Bên cạnh những sáng tác kết đúc từ chuyến thăm Ba Tơ của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, trong tập sách với trang bìa bắt mắt “Sắc xuân Ba Tơ” còn có sự hiện diện của 3 tác giả ở huyện nhà: P.H Nghệ Quảng, Phạm Văn Xuân, Trần Văn Dũng. Mỗi vần thơ, trang văn của họ cộng hưởng lòng tin yêu, sự chờ mong sắc màu mới trên mảnh đất Ba Tơ… Như lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Kim Huy - Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng ở đầu tập sách: “Trong các nhà văn, nhà thơ tham gia chuyến đi, mỗi người một ấn tượng riêng về Ba Tơ nhưng chung quy lại đã cùng gặp nhau ở lòng yêu mến và niềm tin vào sức sống Ba Tơ ngày xưa và hôm nay, tin yêu và hy vọng vào một tương lai của huyện Ba Tơ phát triển giàu đẹp mà vẫn giữ gìn lâu dài những bản sắc văn hóa quý giá - nhất là bản sắc văn hóa dân tộc Hrê”.

Thủy Nguyễn