Sách "Miền Trung - những vấn đề lịch sử": Những tư liệu quý về lịch sử miền trung

Thứ bảy, 30/10/2021 16:33

Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng vừa cho ra mắt ấn phẩm "Miền Trung - những vấn đề lịch sử" (NXB Đà Nẵng 9-2021) dày trên 400 trang. Trước khi nói đến những giá trị khoa học thì chắc chắn nhiều người sẽ đồng tình đây là một món ăn tinh thần giá trị giữa thời điểm này. 

Những vấn đề lịch sử miền Trung, những câu hỏi không dễ trả lời ở nhiều phương diện nếu không có những công trình nghiên cứu khoa học, bài bản, tâm huyết, tiếp cận khám phá. Vì sao vậy". Bởi dải đất miền Trung, nhất là xứ Quảng như chúa tiên Nguyễn Hoàng khẳng định: "Đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng", là "phên giậu" ở chốn đầu sóng ngọn gió… 

Tuy bị gián đoạn nhưng thời gian qua, Tập san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng của Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đã có những đóng góp nhất định khi đã tạo diễn đàn nghiên cứu cho các hội viên và những nhà nghiên cứu ở các địa phương khác trong cả nước tham gia nghiên cứu, công bố nhiều vấn đề lịch sử cả nước nói chung đặc biệt là của khu vực này. 

Và từ những tập san ấy, nhân kỷ niệm 25 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ượng, Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đã phối hợp với NXB Đà Nẵng tuyển chọn 25 bài viết của 25 tác giả đã đăng trên tập san Nghiên cứu lịch sử về xứ Quảng trong các năm qua để thành tập sách "Miền Trung- những vấn đề lịch sử". 

Điều thú vị và cũng mang đầy tính thời sự đó là "biên độ mở" những lĩnh vực, những vấn đề mà nhiều người quan tâm muốn được biết nhiều hơn. Phải kể ở đây đó là câu chuyện muôn đời về biển đảo; câu chuyện về khảo cổ lật lên trên từng phiến đá lát thời gian từ lòng Tháp Chăm, từ thành cổ Thanh Chiêm, từ thương cảng Hội An… Đó là những câu chuyện về lịch sử ở ngay thời Nguyễn, dưới chế độ phong kiến Việt Nam, thời thuộc Pháp hay ở ngay những biến cố chính trị trong dòng chảy lịch sử ấy. 

Điều thú vị nữa, mỗi một vấn đề lịch sử đề cập lại tiếp tục gợi mở cho người đọc những câu hỏi, những suy ngẫm thú vị. Ví như bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi: Vì sao bên cạnh những thành công nhất định trong chống cướp biển cũng có không ít những hạn chế, hệ quả là rất nhiều các quan thủ ngự các trấn sở, thậm chí cả quan đầu tỉnh cũng bị kỷ luật nặng? Thông tin được cung cấp từ các châu bản của các triều vua (Phòng chống cướp biển tại các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn - TS. Lê Tiến Công)
Bạn có bao giờ đặt câu hỏi: vì sao "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bố trí lực lượng hải quân mạnh để ngăn chặn việc Trung Quốc sau khi chiếm Hoàng Sa có thể sẽ chiếm luôn Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa, bất chấp sự "khuyên can" của một viên tướng người Mỹ rằng "Hải quân của Bắc Việt không thể nào vào tới tận Trường Sa" (Một số hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển miền Trung - TS. Lưu Anh Rô).

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi: vì sao người Pháp với miền Trung không trông chờ ở đồng bằng mà là miền núi? Tiềm năng vị trí chiến lược của miền Trung nói chung và Trường Sơn -Tây Nguyên nói riêng chỉ được nổi bật khi đặt trong bối cảnh Đông Dương, hay nói chính xác hơn, là trong "chiến lược Đông Dương". Từ xứ sở người thượng ở miền Trung, từ một vùng ngoại vi của các triều đình bản địa trước đó đã trở thành một địa bàn chiến lược, khi đặt trong một khung cảnh rộng lớn hơn, là Đông Dương (Thế mạnh của miền Trung-Tây Nguyên qua cái nhìn của người Pháp -TS. Trần Đình Hằng)...

Một vấn đề nêu ra trong lịch sử đó là "Dịch bệnh ở Quảng Nam dưới thời Nguyễn" của TS. Nguyễn Hoàng Thân). Ngay thời đó, hoạt động quản lý nhà nước cũng có những điểm tiến bộ như khi có dịch bệnh xảy ra, các quan đầu tỉnh tâu báo về triều đình và đích thân vua chỉ đạo ứng phó. Trước hết là việc dùng thuốc để điều trị (nói như hiện nay là vaccine vậy). Dịch bệnh xảy ra, triều đình hoãn thực thi các công việc, rồi quy định việc chôn cất người chết do dịch bệnh, vệ sinh môi trường chợ và quanh chợ…

Không phải đến ngày nay mà từ xa xưa, phương Nam vốn là một vùng đất mới sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, là nơi "Ô châu ác địa" nên môi trường xã hội rất phức tạp, bởi thành phần những lưu dân bao gồm nhiều hạng người, từ nhiều địa phương phía Bắc, chủ yếu từ vùng Thanh Nghệ đến. Lại có người Chăm ở lại có khác biệt về văn hóa. Bởi vậy, triều đình đã phải cử những quan giỏi về tổ chức ổn định đời sống lúc ban đầu của lưu dân. Ví như, thời Hậu Lê, Lê Lợi giao Phạm Nhữ Nhự là một tướng có công phò giúp trong việc đánh đuổi quân Minh ở lại trấn thủ đất Thăng Hoa. 

Đến thời Lê Thánh Tông, Phạm Nhữ Tăng nguyên là trung quân đô thống lãnh án tiên phong, nắm 10 đạo tinh binh tiết chế thủy, lục đánh bại quân Thanh Chiêm năm 1471, được giao ở lại trấn thủ, thiết lập nền hành chính và tổ chức di dân định cư tại thừa tuyên Quảng Nam. 

Tập sách còn có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng như TS. Lê Xuân Thông, TS. Lê Tiến Công, TS. Dương Thanh Mừng, TS. Nguyễn Duy Phương, ThS. Bùi Văn Tiếng, ThS. Võ Văn Thắng, TS. Nguyễn Hoàng Thân, NNC Nguyễn Quang Hiền, ThS. Nguyễn Văn Hoàn, ThS. Đinh Thị Toan, NNC. Phạm Ngô Minh, NNC. Võ Hà… cùng các nhà khoa học ở các địa phương khác: TS. Trần Đình Hằng, ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến, ThS. Trần Nguyễn Khánh Phong (Thừa Thiên- Huế); TS. Lê Tùng Lâm, TS. Ngô Chơn Tuệ; ThS. Trần Thị Vui, ThS. Nguyễn Thanh Lợi (TPHCM); ThS. Ngô Đức Chí, NNC Phú Bình (Quảng Nam).
Sẽ còn rất nhiều điều mới mẻ, thú vị về những vấn đề lịch sử ở miền Trung. Đó là điều chắc chắn các bạn sẽ tìm thấy ở tập sách này.

VÕ VĂN TRƯỜNG