Saeko Ando: Nữ nghệ sĩ Nhật Bản đam mê sơn mài Việt Nam

Thứ sáu, 28/07/2023 08:33
Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), từ ngày 25-7 đến 27-8, tại Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản số 6 đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Hội An, Quảng Nam) diễn ra triển lãm tranh sơn mài "Vũ trụ vi mô x Vũ trụ vĩ mô - Hội An, nơi tôi sống giữa hai vũ trụ" của nữ họa sĩ người Nhật Bản Saeko Ando.
Các tác phẩm tranh sơn mài của nữ nghệ sĩ Saeko Ando được triển lãm tại nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản, Hội An.
Saeko Ando đang thực hiện một bức tranh sơn mài của mình trong căn nhà của cô ở Hội An.

Nữ nghệ sĩ sơn mài đương đại Nhật Bản Saeko Ando sinh năm 1968, tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Waseda, Tokyo năm 1992. Năm 1995, Saeko Ando đến Việt Nam và "phải lòng" sơn mài Việt. Kể từ đó, cô chọn lưu lại đất nước này để theo học nghề sơn Việt Nam dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Trịnh Tuấn, bậc thầy sơn mài Doãn Chí Trung, nghệ nhân sơn mài Lâm Hữu Chính và dành trọn niềm say mê cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Theo đó, gần 30 năm qua, Ando Saeko được giới yêu nghệ thuật trên thế giới biết đến như là một họa sĩ đương đại sử dụng sơn ta. Cô kết hợp các kỹ thuật sơn mài Việt Nam và kỹ thuật sử dụng sơn ta học được từ các thế hệ bậc thầy tạo ra các phương pháp độc đáo mà cô đã phát triển qua nhiều năm thử nghiệm. Triết lý Zen, niềm say mê với thiên nhiên và ảnh hưởng của thẩm mỹ Nhật Bản đều được thể hiện rõ trong các tác phẩm của Saeko. Nữ nghệ sĩ Saeko Ando đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh sơn mài ở nhiều quốc gia trên thế giới như ở: Việt Nam, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ... Hiện Saeko sống và làm việc tại TP Hội An (Quảng Nam). Cô cho biết, những nguồn năng lượng của thiên nhiên toát ra từ đồng lúa, sông nước và đại dương đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho cô.

Sơn Ta, sơn tự nhiên Việt Nam, là nguyên liệu hữu cơ được tinh chế và xử lý từ nhựa cây sơn - Toxicodendron succedaneum. Tác phẩm của Saeko được tạo ra từ nhiều lớp sơn với màu sắc và họa tiết khác nhau cùng các chất liệu khác (như vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ trai...), và được mài để các lớp bên dưới lộ lên bề mặt. Sơn ta còn có độ trong suốt cao mà không loại sơn tự nhiên nào khác có thể so sánh được. Độ trong suốt cao giúp sơn có màu sắc sống động hơn khi trộn với bột màu. Và độ trong suốt của chất liệu cũng gợi cảm hứng cho nhiều thủ pháp thể hiện khác nhau.

Saeko Ando cho biết, điều khiến cô thích thú nhất là sơn ta "age" (có tuổi) theo thời gian. Sơn ta tự đông lại bằng phản ứng hóa học chứ không phải khô đi như các chất liệu khác. Enzyme trong sơn ta kết hợp với oxy từ H20 trong khí quyển sẽ thực hiện phản ứng polyme hóa. Phản ứng này ở sơn Việt Nam diễn ra trong thời gian dài hơn so với chất sơn từ các vùng khác. Điều này làm cho sơn ta lúc đầu mềm còn về sau trở nên cứng và trong hơn, giúp các tác phẩm ngày càng sáng và tươi màu hơn. Theo Saeko Ando, tranh sơn ta là một loại hình nghệ thuật có tuổi đời như rượu hảo hạng, càng để lâu chất lượng và hương vị càng tăng cao - đi dần về điểm tới hạn của các phản ứng hóa học.

Các tác phẩm tranh sơn mài của nữ nghệ sĩ Saeko Ando được triển lãm tại nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản, Hội An.

Không chỉ là một nghệ sĩ, Saeko Ando còn được biết đến với vai trò là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sơn mài tự nhiên và tích cực chia sẻ những khám phá của cô thông qua các bài giảng, hội nghị, hội thảo chuyên đề trên trường quốc tế.

Nhân dịp đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, vào tháng 9 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở opera "Công nữ Anio" sẽ chính thức ra mắt công chúng người Việt Nam và quốc tế. "Công nữ Anio" kể lại câu chuyện tình yêu giữa công nữ Việt Nam và thương nhân Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII. Và nữ nghệ sĩ Saeko là người đã sáng tác hình ảnh chủ đạo cho sự kiện trọng đại này.

Hồng Sơn