Sắm được ô-tô nhờ nuôi ba ba và cá trê lai
(Cadn.com.vn) - Ông Trần Viên ở tổ 43, P. Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu-TP Đà Nẵng) nổi bật là một nông dân giỏi nuôi ba ba và cá trê lai. Đây là mô hình kinh tế ít tốn diện tích, phù hợp với vùng ven đô và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Viên cho cá ăn.
Chỉ lo thiếu sản phẩm để bán
Ông Viên nuôi mỗi lứa 400 con ba ba trong hồ xây liền kề với nhà ở. Hằng ngày, ông mua cá tươi nhỏ đem về xay vụn, trộn với bột cám, nấu chín, đổ trên các tấm ván đặt trên mặt nước ở xung quanh hồ để ba ba bò vào ăn. Ông đều đặn cho ăn mỗi ngày 2 lần và lượng thức ăn tăng dần theo độ lớn của ba ba. Ba ba nuôi 16 tháng là có bán và có thương lái đến mua tại chỗ.
Cùng trong hồ nuôi ba ba, trong thời gian đầu, khi ba ba còn nhỏ, ông Viên tận dụng nuôi hai lứa cá trê lai (mỗi lứa 3.000 con, nuôi trong 6 tháng), bán được hơn 60 triệu đồng. Cá trê lai ăn khỏe, mỗi ngày ăn hết 10 kg ruột cá và các thức ăn thừa của ba ba được cá trê “tận dụng hết”. Ba ba cũng như cá trê lai đều có sức đề kháng tốt, hiếm khi bị dịch bệnh, ông Viên khẳng định như vậy. Người nông dân này giỏi vận dụng tiến bộ kỹ thuật và đã nuôi được ba ba sinh sản, nên chủ động được nguồn giống và đã hợp đồng được nơi bán ba ba ổn định mà theo ông nói là “chỉ lo thiếu sản phẩm để bán”. Ba ba càng lớn thì giá trị càng tăng lên. Mỗi lần xuất ao, ông Viên bán được hơn 400 kg ba ba, những con nặng từ 7 lạng đến dưới 1kg giá 190.000 đồng/kg, từ 1 kg trở lên giá 240.000 đồng/kg.
Ông Viên vừa vớt cá trê lai từ hồ lên.
Tận tình truyền đạt kinh nghiệm
Từ kinh nghiệm của mình trong nghề nuôi ba ba và cá trê lai, ông Viên luôn tận tình truyền đạt, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ cho người khác cùng nuôi, chứ không hề giấu giếm bí quyết. Ông nói rằng: Nuôi ba ba và cá trê lai chỉ đầu tư xây hồ một lần mà nuôi được lâu dài. Thành hồ phải cao ít nhất 1,5m, phía trên chăng lưới B40 để ba ba không bò ra ngoài. Đáy hồ được tráng xi- măng và đổ một lớp cát sông dày 20cm để ba ba có thể chui vào ngủ trong lớp cát này theo đặc tính tự nhiên của chúng. Trong hồ phải thường xuyên duy trì mực nước sâu từ 1-1,3m và cứ khoảng 10 ngày là thay nước một lần để nước hồ không bị ô nhiễm do tồn lưu lâu ngày. Mỗi khi thay nước, ông Viên dùng máy bơm bơm nguồn nước ngọt trong lòng đất vào bể chứa, hòa nước vôi đổ vào để xử lý phèn, bảo đảm độ PH từ 60-75 độ, để nước lắng trong bể chứa 3 ngày rồi mới cho chảy vào hồ nuôi. Trước đó, dùng men vi sinh bỏ vào hồ nuôi cho ba ba và cá trê trồi lên trên mặt nước, rồi xả nước trong hồ ra ngoài.
Ông Viên nói thêm: Chi phí nuôi cũng không nhiều, bình quân hằng ngày ông chỉ tốn vài chục ngàn đồng mua thức ăn cho ba ba và cá trê lai. Với 150m2 hồ vừa nuôi ba ba vừa nuôi cá trê lai, mỗi vụ (16 tháng), trừ hết chi phí, ông lãi ròng gần 100 triệu đồng.
Chính từ nuôi ba ba và cá trê lai mà ông Viên đã sắm được ô-tô, vừa làm phương tiện đi lại của gia đình, vừa làm dịch vụ chở khách du lịch (do người con trai của ông lái). Vợ ông làm nghề buôn bán nhỏ, hằng ngày mua các loại cá vụn và ruột cá ở chợ đem về làm thức ăn cho ba ba và cá trê. Đặc biệt, ông Viên rất tích cực tìm tòi nghiên cứu tài liệu và áp dụng các kiến thức hay vào thực tế để làm cho ba ba, cá trê chóng lớn. Cụ thể như cứ vài ba ngày là ông trộn thuốc B1 vào thức ăn để kích thích sức ăn của ba ba; lượng thức ăn cho ba ba và cá trê luôn bảo đảm nhu cầu, không bao giờ để thiếu. Ông Viên nhoẻn cười nói vui: “Mình mà để nó đói thì nó sẽ cho mình đói ngay!”.
Bài, ảnh: Lê Văn Thơm