"Săn" báu vật bên dòng Sê Pôn

Thứ sáu, 23/12/2022 17:08
Khép lại hoạt động sưu tầm hiện vật năm 2022, tập thể cán bộ Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Bảo quản thuộc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cảm thấy đã vô cùng may mắn khi "săn lùng" được nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa, đời sống của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô.
Một góc trưng bày hiện vật về văn hóa đồng bào thiểu số tại Bảo tàng Quảng Trị.
Hiện vật thuyền độc mộc nguyên khối giá trị được di chuyển về xuôi.

Không thể diễn tả hết được những khó khăn trên hành trình sưu tầm nên càng hiểu sau mỗi phát hiện và trao đổi thành công đều chứa đựng sự cống hiến, tận tâm của tập thể cán bộ làm công tác sưu tầm. "Nhưng trên hết vẫn là sự ủng hộ của người dân, của đồng bào mới có kết quả đầy phấn khởi này"- chị Lê Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Sưu tâm - Kiểm kê - Bảo quản xúc động chia sẻ.

Xã Thuận thuộc H.Hướng Hóa là 1 trong những điểm đến của Đoàn công tác trong thực hiện "Kế hoạch sưu tầm hiện vật dân tộc học của người Vân Kiều - Pa Cô năm 2022" tại 2 H. Hướng Hóa và Đakrông. Một điều vô cùng thú vị, tại địa bàn xã có con sông biên giới Sê Pôn chảy qua này lại là nơi có nhiều hiện vật giá trị, ẩn mình lặng lẽ trong đời sống đồng bào. Vì thế, việc phát hiện hay tìm thấy chưa bao giờ dễ dàng và đó là bước quan trọng nhất trong mỗi chuyến sưu tầm. Còn nhớ sau nhiều ngày ngược xuôi tại Bản 7 (xã Thuận), gặp gỡ gần gũi bà con cũng không ít, Đoàn cán bộ sưu tầm bất ngờ "chạm" được một "Kărvang" giá trị. Khuyên đeo tai theo tiếng Vân Kiều gọi là "Kărvang", tiếng Pa Cô gọi là "Păroil", là tặng vật được sử dụng và truyền từ đời này sang đời khác. Chủ nhân chiếc khuyên tai còn lại hiếm hoi này là chị Hồ Thị Đ., được mẹ tặng trong ngày chị lấy chồng. Chiếc khuyên được đúc bằng đồng thau, màu xám đỏ được chị Đ. cất giữ rất cẩn thận.

Hiện vật Khuyên đeo tai kích thước lớn được sưu tầm.

Những chiếc khuyên đeo tai bằng chất liệu bạc, đồng không chỉ là đồ trang sức đơn thuần mà còn là kỷ vật, là của quý, thỉnh thoảng vào những dịp lễ hội quan trọng những người phụ nữ lớn tuổi Vân Kiều - Pa Cô mới mang ra sử dụng. Sự tồn tại của những "Kărvang" còn phản ảnh rõ tục lệ Căng tai của người Vân Kiều - Pa Cô, một nét đặc trưng góp phần làm giàu di sản văn hóa của các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên. "Ngày nay, đứng trước quá trình phát triển của lịch sử xã hội, khi mà địa vực cư trú giữa các tộc người ngày một xích lại gần nhau; sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ đã khiến cho không gian văn hóa bản địa có những thay đổi nhất định. Tục lệ Căng tai và đeo những chiếc khuyên tai có kích thước lớn không còn phù hợp với nhu cầu và sở thích của giới trẻ. Do đó việc sưu tầm được chiếc khuyên đeo tai này là một bằng chứng quan trọng góp phần bảo lưu yếu tố văn hóa truyền thống của người Vân Kiều - Pa Cô đã từng tồn tại trong lịch sử trên vùng đất Quảng Trị"- anh Ngô Văn Minh - cán bộ sưu tầm chia sẻ.

Nâng niu bảo quản chiếc "Kărvang" giá trị, cán bộ sưu tầm tiếp tục câu chuyện với hiện vật Thuyền độc mộc, cũng được tìm thấy tại nhà ông Hồ A Ph. ở Bản 7. Khi phát hiện chiếc thuyền cũ này, cán bộ Trịnh Cao Nguyên như reo lên bởi giá trị và sự độc đáo, khi đây là chiếc thuyền độc mộc nguyên khối gỗ kiền, dài gần 7m, mũi thuyền thon nhỏ đuôi xòe, hình dáng tương tự như con cá. Thuyền độc mộc là phương tiện đi lại bằng đường thủy của đồng bào Vân Kiều, thường chở được từ 3-5 người. Sự có mặt của hiện vật đã phản ánh một cách hết sức sinh động sự sáng tạo, cần mẩn, công phu, tinh thần vượt khó của đồng bào Vân Kiều trên miền tây Quảng Trị. Gia đình ông Hồ A Ph., đã sử dụng nó để đi lại trên dòng Sê Pôn đánh bắt tôm cá, vận chuyển ngô, sắn trên nương về. Tuy nhiên, ngày nay, khi hệ thống giao thông đi lại đã được xây dựng ở nhiều nơi, thuyền độc mộc ít được sử dụng hơn. Đối với những bản làng còn nhu cầu sử dụng thuyền để đi lại thường được thay thế bằng chiếc thuyền, ghe bằng kim loại nhẹ, có độ bền. Do đó, những chiếc thuyền độc mộc trở thành của hiếm và dần mất hẳn trong đời sống đương đại. Cũng ở Bản 7, tại nhà ông Hồ Văn H., cán bộ sưu tầm còn phát hiện thêm hiện vật Thuyền Tam bản (còn gọi là thuyền Ba lá) mang giá trị và ý nghĩa về mặt khoa học lịch sử, văn hóa của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô. Đoàn sưu tầm đã tiến hành làm các thủ tục khoa học và pháp lý cần thiết để chuyển giao các hiện vật về kho cơ sở lưu giữ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

Một góc trưng bày hiện vật về văn hóa đồng bào thiểu số tại Bảo tàng Quảng Trị.

Hai trong những hiện vật giá trị được phát hiện tại Bản 7 (xã Thuận) còn có nồi hông xôi được đúc bằng đồng. Tình trạng các nồi khi được sưu tầm còn nguyên vẹn, đang được gia đình chủ nhân là ông Hồ Văn H. sử dụng. Qua nghiên cứu bước đầu, dựa vào kiểu dáng, kỹ thuật chế tác tinh xảo, chất liệu, cán bộ sưu tầm nhận định là sản phẩm của người Việt ở vùng đồng bằng, có niên đại vào đầu thế kỷ XX. Đối với đồng bào Vân Kiều - Pa Cô, những vật dụng như nồi hông xôi không chỉ dùng để nấu nướng đơn thuần mà còn là thước đo của sự giàu có, là của hồi môn, và đôi khi còn là sính lễ bắt buộc trong nghi thức cưới hỏi truyền thống; là tài sản chia cho người chết khi về thế giới bên kia theo luật tục và táng thức "chia của". Sự có mặt của các loại đồ gia dụng trên trong đời sống người Vân Kiều - Pa Cô là bằng chứng thể hiện quá trình giao thương, buôn bán và giao thoa văn hóa giữa các vùng miền đã diễn ra trong lịch sử. Hiện nồi hông xôi bằng đồng không còn sử dụng nhiều trong các gia đình.

Với nhiều hiện vật quý hiếm "săn" được trong năm 2022, cán bộ sưu tầm đã góp phần quan trọng trong lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa giá trị của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bảo Hà