Sản phẩm bị nhái, doanh nghiệp "kêu trời"

Thứ ba, 12/03/2019 18:00

Chưa kịp vui mừng với 2 sản phẩm Agar-King và Agar-King plus được Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam trao tặng danh hiệu Top 10 sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng năm 2018 và được người tiêu dùng chấp nhận, Cty TNHH xuất nhập khẩu Nông sản Toàn Cầu Xanh (CTTCX) phải đối mặt với nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ông Phạm Phú Phong-Giám đốc CTTCX bức xúc: Thực phẩm chức năng nhãn hiệu Agar-King và Agar-King plus là sản phẩm do nhà máy thuộc Chi nhánh Cty Cổ Phần Dược Phẩm Liên Doanh Irland sản xuất có địa chỉ tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và do CTTCX kinh doanh, phân phối với thành phần là tinh dầu trầm hương được Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế  và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm vào năm 2018. 2 sản phẩm này được Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam trao tặng danh hiệu Top 10 sản phẩm vàng. Do có chất lượng tốt nên sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, nhất là đối với khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, thời gian qua cả 2 sản phẩm trên đang bị "cạnh tranh" vì hàng nhái, kém chất lượng. Những mặt hàng này có mẫu mã, bao bì, viên nang bên trong giống như sản phẩm nhãn hiệu Agar-King và Agar-King plus nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm này được bày bán công khai tại các shop chuyên bán hàng cho người nước ngoài có địa chỉ tại Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Sản phẩm viên nén trầm hương không rõ nguồn gốc được bày bán tại các cửa hàng. 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, CTTCX đã gửi đơn và các cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh. Theo ông Trần Phước Trí- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Nam- Đà Nẵng, những mặt hàng này mà CTTCX đề nghị xác minh chỉ được xem là hàng nhái, kém chất lượng vì CTTCX chưa được Nhà nước cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền đối với 2 sản phẩm trên. Dưới góc độ chuyên môn, QLTT chỉ xem xét đến vấn đề nguồn gốc sản phẩm, xác định đây có phải hàng nhập lậu... để có biện pháp xử lý phù hợp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những Cty kinh doanh mặt hàng này hoạt động theo kiểu "hồn Trương Ba, da hàng thịt", trên giấy tờ Cty do người Việt Nam đứng tên, thành lập nhưng quản lý, điều hành kinh doanh... lại là người nước ngoài. Tại các cửa hàng trên, sản phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán công khai cùng với 2 sản phẩm nhãn hiệu Agar-King và Agar-King plus của CTTCX. Các Shop này cũng lấy hình ảnh... của CTTCX để quảng bá sản phẩm, thuyết phục khách hàng. Việc sử dụng hình ảnh của sản phẩm có uy tín để tiếp thị cho hàng nhái, không rõ nguồn gốc này đã gây sự nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng xấu đến uy tín của CTTCX. Ngoài ra, do được nhập lậu nên những sản phẩm này được bán ra có giá rẻ hơn với 2 sản phẩm nhãn hiệu Agar-King, Agar-King plus được sản xuất tại Việt Nam. Việc công khai tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại sản phẩm với nhau và gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời việc tiêu thụ hàng hóa như vậy cũng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến thị trường kinh doanh, môi trường du lịch của Đà Nẵng.

Thiết nghĩ, để lập lại trật tự trên lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng như Hiệp hội người tiêu dùng, QLTT, Thuế... cần vào cuộc đồng bộ để kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhái, kém chất lượng..., góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước và không để doanh nghiệp "than trời" vì cạnh tranh không lành mạnh.

M.T