Sản phẩm OCOP "đồng hành" cùng du lịch phát triển

Thứ bảy, 17/12/2022 16:34
Với tiêu chí gắn kết cùng phát triển, nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng đang nỗ lực kết nối, hợp tác với cộng đồng du lịch đưa sản phẩm địa phương vươn xa.
Thông qua các hội chợ, những sản phẩm mang thương hiệu OCOP được giới thiệu đến tay người tiêu dùng và du khách.
Thông qua các hội chợ, những sản phẩm mang thương hiệu OCOP được giới thiệu đến tay người tiêu dùng và du khách.

Năm 2018, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Nhà nước phát động nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, được xem là giải pháp, nhiệm vụ trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị và nó trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng tầm các sản phẩm địa phương và cộng đồng khởi nghiệp. Thông qua chương trình OCOP, tại Quảng Nam, Đà Nẵng… các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh và có nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội của địa phương. Sau 5 năm phát triển, nhiều sản phẩm OCOP đang dần trở thành một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện văn hóa, du lịch của các vùng miền đến với khách hàng, đặc biệt là khách du lịch.

Đối với cộng đồng khởi nghiệp, việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi mới được Quảng Nam, Đà Nẵng tập trung nguồn lực thực hiện, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tự động nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP, tăng năng lực cạnh trạnh với các sản phẩm công nghiệp. Theo anh Đinh Công Quân-chủ sở hữu sản phẩm OCOP House (Quảng Nam), chất lượng sản phẩm mà OCOP House hướng tới phải có xuất xứ rõ ràng, chất lượng đã được chứng minh. Là những sản phẩm được phát triển qua quá trình khởi nghiệp, có chứng nhận đạt chuẩn OCOP, mang tính tiêu biểu, đặc sản địa phương. Đặc biệt, sản phẩm đó phải bảo đảm sức khỏe, an toàn VSTP cho người tiêu dùng và phải đạt tiêu chí "xanh" trước tiên. Với những tiêu chí đó, OCOP House đã liên kết với nhà sản xuất, nhà cung cấp để thương mại hóa sản phẩm và thông qua mạng xã hội, các trang web bán hàng như Lazada, Amazon… đã phân phối hơn 200 loại sản phẩm ra thị trường. Cũng từ đó tạo ra những cơ hội, tiềm năng lớn để đưa những đặc sản "made in Quảng Nam" trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Không chỉ đơn giản là mua và bán, khách du lịch còn được trực tiếp trải nghiệm cách bà con địa phương sản xuất sản phẩm. Khi đó, du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và con người xứ Quảng. Tương tự, ông Lê Quốc Việt-Đồng sáng lập Chợ phiên Làng chài Tân Thành (sản phẩm OCOP 4 sao), cho biết: Chợ phiên Làng chài Tân Thành đang từng ngày gắn kết khách du lịch với sản phẩm địa phương. Đến với phiên chợ, du khách có thể trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ du lịch, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Vì thế, khi gắn kết với các sản phẩm OCOP sẽ tạo dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, bền vững...

Theo tìm hiểu, hiện tại ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đang triển khai những giải pháp phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, tạo dựng thương hiệu Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh. Cụ thể, Quảng Nam đã và đang vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP. Tổ chức hội chợ, Tuần xúc tiến OCOP... tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh nhằm thu hút khách du lịch. Với cơ chế đó, sản phẩm OCOP của Quảng Nam không ngừng tăng về số lượng cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Cụ thể, tổng thu của OCOP năm 2021 khoảng 200 tỷ, năm 2022 đạt 300 tỷ với gần 300 sản phẩm. Theo ông Trần Anh Tuấn-Phó chủ tịch UBND tỉnh: thời gian đến, Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị cao, tăng trải nghiệm cho du khách dựa trên lợi thế và tài nguyên của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh, khai thác dịch vụ du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… gắn liền với phương châm sản phẩm OCOP "đồng hành" với việc phát triển du lịch. Và, theo ông Nguyễn Văn Vân-Chủ tịch Hội Nông dân H. Hòa Vang việc phát triển sản phẩm OCOP cũng được chú trọng và phát triển. Hiện tại, Hòa Vang đã có gần 20 sản phẩm đạt chất lượng cao được người tiêu dùng chấp nhận song vẫn chưa có sự gắn kết, phát huy hết thế mạnh trong việc phát triển ngành du lịch tại địa phương…

Hy vọng, các địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa để tạo sự liên kết sản phẩm OCOP với du lịch, qua đó quảng bá được sản phẩm địa phương và giúp cho người lao động, nghệ nhân tăng thu nhập... Ngoài ra, các địa phương cũng cần liên kết với nhau trao đổi, học hỏi... cùng nhau hoàn thiện, tương trợ nhau trong việc đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, khách du lịch, để mối liên kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch được phát huy hiệu quả nhằm phát triển sản phẩm gắn với giá trị văn hóa địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống vươn cao, bay xa.

M.T