Sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa

Thứ ba, 01/10/2019 19:00

Có lẽ nhiều người hay nghĩ rằng việc cháy nổ tàu thuyền trên sông nước sẽ rất hiếm khi xảy ra. Nhưng mỗi chuyến tàu trước khi ra khơi đều dự trữ từ vài nghìn lít dầu, kèm theo nhiều bình gas, bình ắc-quy, ngư lưới cụ... cho hành trình đánh bắt xa bờ thì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ là điều không tránh khỏi.

Đội CC&CNCH trên sông ứng cứu kịp thời các vụ cháy xảy ra.

Mỗi ngày, Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) đón gần 500 tàu cá từ các tỉnh thành lân cận đổ về neo đậu, số lượng cập cảng khoảng 50 lượt/ ngày, đêm, buôn bán tại chợ đầu mối thủy sản rất đông đúc, tấp nập. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền phòng chống cháy, nổ cho các ngư dân được lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) trên sông luôn được tăng cường và quan tâm thường xuyên. Mỗi chiếc tàu đánh cá được ngư dân xem như ngôi nhà thứ hai của mình nên họ trang bị khá nhiều các dụng cụ, thiết bị, thực phẩm thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt mỗi lần đi đánh bắt xa bờ, thậm chí còn lắp những trang thờ, thắp hương, đốt vàng mã, vì vậy khả năng “bà hỏa” ghé thăm dù là trên bờ hay dưới nước đều có thể xảy ra. Thượng úy Lê Tuấn Anh – Đội trưởng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông cho biết thêm: “Hiện nay, hầu hết các tàu cá thiếu trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc có nhưng chưa đạt chất lượng. Ngoài ra, hệ thống dây dẫn điện chưa đảm bảo, sử dụng dây điện tiết diện nhỏ, đi nổi bên ngoài không được luồn vào nẹp hoặc ống bảo vệ. Đặc biệt ngư dân trang bị bếp gas và bình gas để phục vụ nấu ăn khi đi dài ngày nhưng lại bố trí trong ca-bin hoặc hầm tàu khiến khí gas tích tụ trong không gian kín dễ gây nổ khi gặp nguồn nhiệt thích hợp”.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Đội CC&CNCH trên sông đã tiếp nhận và xử lý 3 vụ cháy, may mắn không thiệt hại về người. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Đội CC&CNCH trên sông còn là lực lượng chuyên nghiệp thường trực cứu nạn, cứu hộ dưới nước. 34 vụ cứu nạn cứu hộ được thực hiện, trong đó, trục vớt an toàn 12 tàu cá bị chìm, cứu kịp thời 1 nạn nhân, vớt được 15 xác nạn nhân bàn giao cho cơ quan pháp y. Luôn luôn trong tư thế sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu và khả năng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bất kể trong điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng chữa cháy và cứu nạn cựu hộ trên sông đảm bảo lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn.

Bên cạnh đó, trong phạm vi địa bàn quản lý Đội PC&CNCH trên sông quản lý PCCC tổng số 81 cơ sở, trong đó, quản lý 37 tàu dầu, 26 tàu du lịch, 8 cơ sở ven sông, 9 cầu cảng và 1 BQL Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Nhằm hạn chế mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, thiệt hại tài sản, ngoài việc hướng dẫn, tuyên truyền Đội CC&CNCH trên sông thường xuyên phối hợp tổ chức thực tập phương án, tạo ra những tình huống giả định để cả cơ sở và các chiến sĩ phòng cháy tăng cường khả năng ứng cứu và xử lý đám cháy trong mọi trường hợp xảy ra. Trong thời gian qua, Đội đã tổ chức thực tập phương án CC&CNCH đối với 43 cơ sở thuộc địa bàn đơn vị quản lý, tổ chức gặp mặt 12 cơ sở có phương tiện họp bàn về việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia CC&CNCH khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố. Không chỉ hoạt động riêng lẻ, trong những năm qua, Đội luôn phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị quản lý các tàu thuyền hoạt động trên các tuyến đường thủy.  Tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý về PCCC&CNCH giữa Phòng CS PCCC&CNCH, BQL Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Hải đội II thuộc Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng.

Với đặc thù chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên các tuyến đường thủy trong thành phố Đà Nẵng, Đội CC&CNCH trên sông hoạt động đều độc lập, khác biệt so với Đội cảnh sát PCCC & CNCH tại các quận, huyện. Không phải là những xe bồn chữa cháy được lắp đặt đầy đủ dụng cụ, mỗi khi đám cháy xảy ra trên địa bàn sông nước, Đội CC&CNCH trên sông lại di chuyển các dụng cụ chữa cháy từ máy bơm, ống nước lên ca-nô, xuồng cao tốc nhanh chóng đến hiện trường. Trong điều kiện thời tiết dưới sông nước luôn thay đổi, các phương tiện, trang thiết bị đều phải được kiểm tra để đảm bảo vận hành một cách tốt nhất.

Xác định nhiệm vụ của đơn vị mình, trong thời gian qua, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến toàn thể CBCS thường xuyên luyện tập, sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ, đồng thời nâng cao các kỹ năng, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ trong nhiều tình huống khác nhau. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” là điều mà các chiến sĩ Đội CC&CNCH trên sông luôn đặt hàng đầu, Đại tá Lê Hồng Tư – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhấn mạnh: “Dù đơn vị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị đặc thù với điều kiện sông nước nhưng lực lượng phòng cháy và chữa cháy trên sông sẽ cố gắng phát huy hết khả năng, tăng cường công tác huấn luyện, chiến đấu nhằm nâng cao thể lực, thể chất góp phần đáp ứng nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân".

DIỆU HUYỀN