Săn "thủy quái" ở ngã ba sông

Thứ ba, 16/02/2016 10:55

(Cadn.com.vn) - Giữa đêm tĩnh lặng, chiếc thuyền bị kéo đi chòng chành, ngư phủ chân đứng tấn bám chặt vào ván thuyền, một tay siết chặt câu, một tay thủ thế với chiếc đinh ba. Người và “thủy quái” cứ quần nhau qua nhiều khúc sông, chỉ đến khi loài “thủy quái” kia mệt lử, phơi bộ vảy lấp lánh ánh bạc trên mặt nước cũng là lúc chiếc đinh ba trên tay ngư phủ lao xuống… Già làng Ksor Buk ở buôn Ma Knik (P. Sông Bờ, TX Ayun Pa, Gia Lai) tiếp tục nhón tay bốc thêm thuốc đưa vào tẩu, chậm rãi kể về một thời săn loài cá được mệnh danh là “thủy quái” nơi ngã ba của 2 dòng sông lớn ở Tây Nguyên tụ về.

Chuyện kể về “thủy quái”

Nơi gặp nhau của 2 con sông lớn ở Tây Nguyên là sông mẹ - Ayun và sông cha - Pa (Ba) tạo nên một vùng thung lũng Ayun Pa (TX Ayun Pa, Gia Lai) trù phú với nhiều sản vật tự nhiên ít nơi nào có được. Vùng ngã ba sông này sản sinh nhiều loài cá đặc biệt quý hiếm như cá đá, cá chốt và loài cá được mệnh danh “thủy quái” chỉ có duy nhất ở vùng đất này là cá phá. Với đầu to, nhọn, hàm rộng, thân mình thon dài và chắc nịch, những chiếc vảy lớn ánh bạc, cứng tạo nên một sức mạnh của loài “thủy quái” này. Ở những khúc sông sâu, nước chảy xiết, nhiều vũng xoáy và hốc đá hiểm trở là nơi ở và kiếm ăn của chúng. Những đêm trăng thanh, tiếng quẫy nước của loài cá này vang cả một khúc sông dài. Điều đó chỉ là vẻ bề ngoài ẩn giấu bên trong đặc tính hung tợn của loài cá được mệnh danh “thủy quái” này. Khi dính lưới hoặc mắc câu, cá phá luôn từ dưới mặt nước lao thẳng vào người và thuyền của ngư phủ để tìm đường thoát. Thế nên, ngư phủ muốn săn được loài cá phá phải có sức khỏe, sự kiên trì để “dìu” cá và đủ nhạy bén để đoán được những “cú” húc đầu tấn công của chúng.

Già Ksor Buk kể: giữa tháng Chạp là mùa cá phá ngược dòng từ sông Ba lên thượng nguồn sông Ayun để cặp đôi, sinh sản. Thế nên, cứ sẩm tối ngư phủ lại chia thành từng nhóm 2-3 người chống thuyền ngược lên thượng nguồn dòng Ayun rồi xuôi thuyền hơn 20 cây số về đến đoạn giao nhau với sông Ba ở bến Mộng để săn tìm loài “thủy quái”. Đặc biệt, cứ vào đêm trăng sáng cá phá săn mồi mạnh hơn cả, ngư phủ cứ dong thuyền theo tiếng quẫy nước đùng đùng để tìm đến nơi thả câu. Khi cá mắc câu, ngư phủ cứ để mặc nó vẫy vùng, kéo chòng chành cả chiếc thuyền, vừa buông dây câu khi cá oằn mình thoát khỏi lưỡi câu cũng như tránh những cú lao lên húc về phía thuyền, ngư phủ cũng thu dây lại khi cá “nghỉ” lấy sức. Cứ thế, người và cá quần nhau cả vài giờ qua nhiều khúc sông. Chỉ đến khi cá đã mệt lử, ngư phủ bung lưới vây lại rồi dùng đinh ba đâm vào đầu cá để đưa lên thuyền.

Già Ksor Buk không thể nhớ là mình đã bắt được bao nhiêu con cá phá trong hơn 40 năm làm nghề đánh bắt cá trên sông Ba, nhưng vẫn nhớ như in lần “chiến đấu” với “thủy quái” nặng chừng 50kg. “Hơn 20 năm trước, trong một đêm buông lưới ở bến Mộng, chợt chiếc thuyền chòng chành, dàn lưới bị kéo rê đi như phía đầu kia gắn vào một quả tạ rồi tiếng quẫy nước mạnh tung bọt trắng xóa cả mặt sông. Biết cá dính lưới, mình buộc lưới ghì vào thuyền nhưng vẫn hoảng sợ vì không nghĩ có con cá nào to đến thế. Một lúc sau, mình đánh liều kéo lưới lên, để con dao sắc cạnh người thủ thế. Bất ngờ, dưới dòng nước xiết, một con cá khổng lồ toàn thân ánh bạc, lao đi lao lại như một con thú dữ hòng thoát thân. Đuôi thuyền nảy lên mấy lần như muốn lật úp vì cá húc vào. Khi ngọn lao nhọn đã cắm phập vào đầu cá, mình tá hỏa nhận ra đích thị là một con cá phá dài, vảy phủ rêu xanh, cân nặng gần 50kg. Đưa được cá vào bờ thì trời vừa sáng, mình thì nằm vật xuống thuyền, tay chân như không theo ý mình nữa vì đuối sức. Hôm đó, cả làng xúm đến xem. Mình kêu mọi người cùng làm thịt nhưng ai cũng sợ, nói là... cá ma” - già Ksor Buk kể.

Một con cá phá “khủng” ở ngã ba sông mà ngư dân bắt được.

Mùa thu… không ăn “thủy quái”

Cũng như già Ksor Buk, nhiều ngư phủ ở trong vùng không còn nhớ đã bắt bao nhiêu con “thủy quái” trong những lần thả câu, buông lưới trên sông. Ông Rcom Pơ (ở buôn Ama Dương, TX Ayun Pa) xác nhận: “Khi trước, cứ 2-3 tuần lại có người bắt được cá phá nặng vài chục ký, nhưng dân làng không dám ăn vì cho là cá ma. Họ đem cá đến miếu ở khu vực cầu Cây Sung để làm lễ cúng thần sông”… Đó là câu chuyện của 20 năm trước, chứ bây giờ cá phá trở thành đặc sản được mọi người săn lùng và loài “thủy quái” này cũng dần khan hiếm.

Điều kỳ bí của loài “thủy quái” này là câu chuyện mà các ngư phủ truyền nhau là vào mùa thu thì… cất lưới, thu câu. Kể cả vào mùa này, khi vô tình dính lưới, ngư phủ cũng đợi cá mệt lử mới gỡ lưới thả chúng bơi đi, trong khi đó nếu mang đi bán sẽ có bạc triệu. Ông Dương Xuân Đào, một chủ nhà hàng ở TX Ayun Pa cười, giải thích khi nghe tôi hỏi về lý do này: Đấy là lương tâm của những người săn loài “thủy quái” này. Dù thịt cá phá là cực phẩm đến cái vảy cũng chế biến thành món đặc sản nhưng khi vào mùa thu thì họ không bắt mà có bắt mình cũng không mua. Bởi lúc đó, trái mã tiền chín rụng trôi dọc sông và đó cũng là món khoái khẩu của loài cá này. Mình ăn trái đó thì ngộ độc có khi tử vong, còn cá phá ăn vào càng khỏe ra, lúc đó vảy chúng ánh lên màu tím, đỏ. Nếu không biết mà ăn thịt nó lúc đó cũng sẽ dẫn đến ngộ độc. Chỉ đến mùa xuân, thịt cá phá mới thơm ngon nhất. Hiện giá thương lái thu mua cá phá khoảng 400-500 ngàn đồng/kg.

Rồi ông Đào kể say sưa về những món đặc sản được chế biến từ loài cá phá. Dù sống ở dưới đáy sông, nhưng cá phá không hề có mùi bùn hôi tanh mà ngược lại, thịt cá có màu trắng, dai và thơm ngon đặc trưng. Thịt cá dùng để sốt cà chua, hấp, chiên, nấu lẩu… đều ngon. Đặc biệt, món bong bóng và lòng cá phá xào lên có vị thơm nồng, sần sật, dai dai, ngọt ngọt. Không những vậy, đến món vảy cá chiên giòn cũng tạo nên hương vị riêng của nó. Vậy nên, cứ đến mùa xuân, hạ, nhiều người có tiền trong vùng tìm cá phá để thưởng thức và làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Tất nhiên, đi cùng với nhu cầu tăng dần là việc đánh bắt loài “thủy quái” này cũng mạnh hơn. Giờ thợ săn loài “thủy quái” này thì nhiều nhưng có khi đi nhiều đêm liền mà vẫn về tay trắng và may mắn cũng chỉ bắt được những con từ 10-20kg, những con 30-50kg đã chỉ còn là giai thoại của những ngư phủ lão làng.

M.T