Sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang mở ra hướng đi triển vọng và bền vững, không chỉ giúp người nông dân huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra nông sản an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Nông dân thôn An Trạch (xã Hòa Tiến) sản xuất lúa hữu cơ với kỹ thuật mới "mạ khay - máy cấy".
Tại xã Hòa Tiến, sau nhiều mùa vụ thấy năng suất lúa vượt trội, địa phương tiếp tục liên kết với Cty Nông sản Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế) mở rộng diện tích canh tác từ 10ha ban đầu lên 25ha ở cánh đồng thôn An Trạch với khoảng 100 hộ dân tham gia. Nhiều nông dân trong thôn cho biết, nếu như làm lúa truyền thống, mỗi vụ phải phun từ 8 - 10 lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì sản xuất lúa hữu cơ chỉ phun 3 lần. Thuốc BVTV là thuốc sinh học nên không lo độc hại. Đã không tốn thời gian làm cỏ bờ ruộng mà còn có cỏ sạch cho trâu, bò ăn nữa. Vụ hè - thu năm 2021, bà con tiếp tục sử dụng giống BT7 với sản lượng đạt hơn 60 tạ/ha. Ngoài việc tiết kiệm được công chăm bón, phân bón, thuốc BVTV, trung bình mỗi sào lãi hơn 1,5 triệu đồng, mô hình còn cung cấp kiến thức, giúp người nông dân thay đổi tư duy về sản xuất lúa sạch…
Lão nông Đặng Văn Song chia sẻ, trước đây, khi nghe nói làm lúa sạch mà không bón nhiều phân, phun nhiều thuốc trừ sâu thì còn đâu lúa mà ăn? Nhưng qua sản xuất, chúng tôi đã rành về kỹ thuật và nhận ra lợi ích của cách làm này. Quy trình sản xuất lúa sạch có rất nhiều lợi ích mà chỉ có những người sản xuất trực tiếp mới biết. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, cấp chứng chỉ tham gia mô hình, được cấp sổ ghi chép nhật ký quá trình sản xuất đồng ruộng như sử dụng giống, phân bón, chất bổ sung, thuốc BVTV sinh học, đúng liều lượng, sản phẩm và thời gian quy định.
Còn ở các thôn Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn), thôn 5 (xã Hòa Khương)… hơn 150 hộ dân cũng tham gia sản xuất lúa hữu cơ với các loại giống OM4900, BC15 trên diện tích gần 50ha. Ông Ngô Văn Trương - Trưởng thôn 5 cho biết, mô hình này được người dân đánh giá cao không chỉ ở hiệu quả năng suất bình quân cao hơn sản xuất truyền thống từ 5 - 7 tạ/ha, tạo ra hạt gạo chất lượng, an toàn mà về lâu dài còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp TP, huyện cần nhân rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, từng bước giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Được biết, vùng nông thôn Hòa Vang hiện có hơn 200ha chuyên canh lúa hữu cơ tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Châu… đã giúp cải thiện khả năng sản xuất lúa giống cho gần 4.000 hộ nông dân, nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch nhằm đạt chất lượng cao hơn và tăng giá trị sản phẩm, tối đa hóa doanh thu trên một đơn vị diện tích. Các cánh đồng đều sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc BVTV, góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người nông dân và tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, phục vụ đô thị. Bên cạnh đó, để duy trì và nhân rộng vùng liên kết sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường, người nông dân còn được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giúp kết nối bền vững với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
VY HẬU