Sáng mãi ngọn lửa Đặng Thùy Trâm

Thứ bảy, 27/02/2021 12:14

Lửa vẫn cháy rực lên từ những dòng nhật ký

Lửa thiêu đốt lương tâm người lính Mỹ

Lửa thắp sáng lương tri, nhen khát vọng hòa bình

Ngọn lửa Ðặng Thùy Trâm còn mãi cuộc hành trình...

Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Đó là những câu trích trong bài thơ "Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm" của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Người nữ bác sĩ đã ra đi hơn nửa thế kỷ nhưng ngọn lửa Đặng Thùy Trâm luôn sáng mãi.

Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26- 11-1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội, bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên Ttrường Đại học Dược Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y Khoa, theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, chị đã xung phong vào Nam. Tháng 3-1967, vào đến Quảng Ngãi, chị được phân công phụ trách Trạm xá Đức Phổ. Ngày 27-9-1968, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người yêu thích văn học, đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, chị đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: "Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, ... để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người". Với lý tưởng sống đã chọn, chị lăn xả vào cứu chữa, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở...

Tượng Đặng Thùy Trâm đặt tại bệnh xá cùng tên ở Phổ Cường, Đức Phổ.

Nhật ký đơn thuần chỉ là ghi chép hàng ngày của mỗi người, nhưng trong "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" lại chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện dành cho người bệnh, cho đồng chí, đồng bào, cho Tổ quốc. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và người dân trong vùng. Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết: "... Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình". Ngày 22-6-1970, Trạm xá Đức Phổ bị lính Mỹ tập kích, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh. Chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2006.

Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là tác giả 2 tập nhật ký được viết từ ngày 8-4-1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến 20-6-1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ hơn 30 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4-2005. Sau đó, nhật ký được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành sách, có tên là "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (NXB Hội Nhà văn Việt Nam), được xuất bản tại Hà Nội năm 2005. Sách đã lay động lương tâm nhiều người, nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi Việt Nam. Tiếp đó, bộ phim "Đừng Đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được dựng lên từ "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Đúng ngày 30-4-2009 phim được chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, nhiều người xem đã không cầm được nước mắt. Họ không chỉ là những người đứng tuổi, cùng một thế hệ với nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm mà cả những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

Ngày nay, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng ngay trên mảnh đất chị đã ngã xuống (xã Phổ Cường, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, Bệnh xá còn là nơi thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.

Và ngọn lửa Đặng Thùy TrâmNgọn lửa từ trái tim của một thế hệ tuổi trẻ trong chiến tranh, luôn ngời sáng mãi lý tưởng của thế hệ trẻ hôm nay đang gánh trên vai mình sự nghiệp cao cả mà thế hệ đi trước đã trao lại: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP