Sáng nay, bão Kalmaegi vào Biển Đông
* Kiên quyết kêu gọi tàu, thuyền trong khu vực nguy hiểm di chuyển, trú tránh an toàn
(Cadn.com.vn) - Trước diễn biến phức tạp của bão Kalmaegi, chiều 14-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp bàn các biện pháp đối phó với cơn bão này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Bão Kalmaegi di chuyển rất nhanh, tốc độ khoảng 25km/h; khoảng gần sáng nay 15-9, bão sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3. Khi vào Biển Đông, cường độ bão ở cấp 12. Bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 13-14 trước khi đổ bộ vào Bắc Hải Nam - Bán đảo Lôi Châu. Khoảng trưa đến chiều 16-9, bão gây gió mạnh cấp 10-12 ở Bắc Vịnh Bắc Bộ. Phía Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-9.
Dự báo đường đi bão Kalmaegi. |
Khoảng đêm 16-9, sáng 17-9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh miền Bắc nước ta. Cường độ bão khi đổ bộ ở khoảng cấp 10-11, giật cấp 12-13. Khu vực bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp được nhận định là từ Quảng Ninh đến Hải Phòng với trọng tâm là Quảng Ninh. Từ chiều 16-9 đến hết ngày 18-9 bão sẽ gây ra một đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến từ 100-200 m, riêng khu vực Đông Bắc từ 200-300 mm. Mưa tập trung trong 2 ngày 17 và 18-9.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 10 giờ 30 ngày 14-9, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.809 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 298.574 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tiếp tục thông báo và kiên quyết kêu gọi hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang ở trong khu vực nguy hiểm trên biển di chuyển, trú tránh an toàn. Đồng thời tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền, di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Ninh Bình chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình, tổ chức chặt tỉa cành cây. Các địa phương kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão; Bố trí lực lượng trực gác để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tình trạng người chết do lũ cuốn trôi.
T.T – B.T