Sáng tạo để dạy tốt, học tốt

Thứ sáu, 18/10/2013 11:43

(Cadn.com.vn) - Nhận xét về phong trào thi đua sáng tạo và làm kinh tế của phụ nữ Đà Nẵng, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP khẳng định: “Tuy là năm đầu tiên phát động phong trào nhưng số lượng phụ nữ tham gia rất đông và đạt chất lượng tốt ở tất cả các  lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục...

Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết tặng Bằng khen cho phụ nữ có nhiều sáng tạo
và làm kinh tế giỏi.

Nhiều sáng tạo độc đáo, hữu ích

Trải qua 25 năm đứng trên bục giảng, chị Nguyễn Thị Kim Minh, Giáo viên Bộ môn Lịch sử Trường THCS Trần Quý Cáp bộc bạch: “Tôi nghĩ, mỗi môn học đều có sức hấp dẫn riêng, trong đó, bộ môn Lịch sử là một môn học hay, hấp dẫn không chỉ truyền đạt cho học sinh (HS) những kiến thức quan trọng về lịch sử nước nhà mà còn khơi dậy cho các em tình yêu nước, thương nòi...Vì thế, tôi luôn trăn trở để tìm ra các phương pháp dạy học mới, giúp HS dễ tiếp thu bài học, dễ nhớ, dễ thuộc, lâu quên”.

Niềm tâm huyết với nghề, tình yêu với HS có lẽ là động lực chính để cô giáo Minh theo đuổi và thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin để dạy lịch sử”. Kể về quá trình thực hiện đề tài, chị Kim Minh cho biết: “Một lần tôi tình cờ được xem một HS chơi game online Thành Cổ Loa, trong suy nghĩ của tôi hình thành ý tưởng xây dựng bài học lịch sử “Chiến thắng Thành Cổ Loa” dựa vào trò chơi này”.

Sau một thời gian dài, vừa tự học, vừa đi thực tế tại Thành Cổ Loa ở Hà Nội, vừa nhờ các chuyên gia công nghệ thông tin... chị Minh đã thực hiện thành công ý tưởng của mình. Từ năm 2010 đến nay, “Ứng dụng công nghệ thông tin để dạy Lịch sử” đã được sử dụng thường xuyên trong các tiết học của HS lớp 6 trên địa bàn Q. Hải Châu và toàn thành phố, giúp các em hứng thú và yêu thích môn học này”. Được biết, đề tài của cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh đã đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI.

Bên cạnh đề tài của chị Nguyễn Thị Kim Minh, các giáo viên khác trong ngành giáo dục cũng có nhiều nghiên cứu, sáng tạo độc đáo, hữu ích như mô hình “Bộ đồ dùng rê bóng” của cô Đặng Thị Tuyết Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ; cô Lê Thị Thanh Thời – Phó Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Phượng Đỏ với mô hình “Cầu trượt của bé”...

Cô Nguyễn Thị Kim Minh hướng dẫn học sinh về mô hình quần đảo Hoàng Sa.

Một mô hình khác cũng được ngành giáo dục đánh giá cao là mô hình “Nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng sản xuất nhiên liệu sinh học” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giảng viên Khoa Hóa trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tiến sĩ Xuân lý giải về việc chọn đề tài trên: “Nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sinh học đang là xu hướng chung trên toàn thế giới trước bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt cũng như tình trạng ô nhiễm do khói thải từ nhiên liệu hóa thạch mà đặc biệt là phát thải CO2 gây ra sự biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu ngày càng trầm trọng.

Trong khi đó, sinh khối vi tảo có những ưu điểm vượt trội về tốc độ sinh trưởng rất nhanh, điều kiện nuôi trồng đơn giản, chứa hàm lượng dầu cao, và đặc biệt là khả năng tiêu thụ một lượng lớn khí CO2 để tăng trưởng. Do vậy, nguồn sinh khối này hứa hẹn là nguồn nguyên liệu dồi dào, thân thiện với môi trường và là nguồn chủ đạo để sản xuất nhiên liệu sinh học Diodiesel trong tương lai gần”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân bên các mô hình trưng bày của ngành Giáo dục tại Ngày hội
Phụ nữ Sáng tạo.

Với năng lực của một giảng viên đã được đào tạo bài bản tại nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân đã dồn nhiều tâm huyết cho đề tài dù gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về phòng thí nghiệm, máy móc phân tích, kinh phí... Nghĩ về giai đoạn hoàn thành đề tài, nữ tiến sĩ Xuân thở phào: “Đề tài hoàn toàn có thể ứng dụng được ở các trang trại chăn nuôi lớn, sản xuất được sinh khối vi tảo thông qua xử lý nước thải từ hầm biogas, đồng thời có thể tận dụng khói thải từ việc sử dụng động cơ biogas phát điện để tăng tốc độ sinh trưởng của tảo”.

Mặt khác, đề tài cũng có khả năng ứng dụng rất cao tại các cơ sở chế biến thủy sản, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng, và hiện nay đang gặp khó khăn ở khâu xử lý, phù hợp với đặc điểm của một thành phố biển và hướng đến mục tiêu thành phố môi trường như Đà Nẵng.

 Gian hàng các chế phẩm từ hoa Hibiscus hút khách hàng trong một triển lãm.

Làm giàu theo cách riêng

Một trong những phụ nữ nổi bật làm kinh tế giỏi của TP Đà Nẵng thời gian gần đây là chị Đoàn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH Chăm Chăm. Chị Thủy thổ lộ duyên cơ đến với  cây Hibiscus (thường gọi là Atisô đỏ), loại cây trồng giúp chị phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương: “Năm 2009, tôi dành nhiều tâm sức nghiên cứu về giống cây trồng Hibiscus, một loại cây có nhiều tính năng nổi trội, vừa là cây thực phẩm, vừa là loại dược liệu có ích cho sức khỏe và mang lại lợi ích cao.

Đến năm 2011, tôi mạnh dạn đề xuất với UBND TP cho phép Cty TNHH Chăm Chăm được tiến hành triển khai đề án “Trồng thử nghiệm, nhân giống, sản xuất rượu vang từ đài hoa Hibiscus tại khu vực Hố Ông, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu”. Với quyết tâm, nghị lực và kiến thức sẵn có trong những năm nghiên cứu, chị Thủy là người đầu tiên trồng thành công loại cây này tại Đà Nẵng. Hiện nay, chị còn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang, nước giải khát, với quy mô 1 triệu lít/ năm, các chế phẩm khác như trà, mứt... từ cây Hibiscus.

Trên đây chỉ là 3 trong số 41 gương phụ nữ sáng tạo và làm kinh tế giỏi tại TP Đà Nẵng đã được tôn vinh trong thời gian vừa qua. Tất cả các chị, bằng bản lĩnh, tài năng, niềm đam mê đang cống hiến cho đời những hương vị mới, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới.

Hà Giang