Sắp hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước

Thứ hai, 22/06/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Dự kiến, cuối tháng 6/2015, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước (QL14 cũ) sẽ chính thức khánh thành và được đưa vào khai thác, sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Công trình đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước có tổng chiều dài 553km nối từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), gồm có 11 dự án thành phần (6 dự án được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và 5 dự án được đầu tư bằng hình thức BOT).

Trong đó, dự án thành phần có tiến độ nhanh nhất và đảm bảo chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình là đoạn qua tỉnh Đắc Nông do Liên danh Công ty Toàn Mỹ 14 - Công ty Băng Dương (TPHCM) làm chủ đầu tư  (CĐT) bằng hình thức BOT. Đoạn này có tổng chiều dài toàn tuyến 2 km, được chia thành 7 gói thầu, trong đó, có 5 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu trạm thu phí và 1 gói thầu hệ thống ATGT.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Không chỉ dẫn đầu về tiến độ thi công, CĐT còn thể hiện trách nhiệm xã hội đối với địa phương và người dân trong vùng dự án đi qua. Đơn cử, vào tháng 8/2014, tại Km1809+320 đến Km1809+483 (đoạn qua xã Đắc Gằn, huyện Đắc Min) xảy ra tình trạng sạt lở, gây thiệt hại về vật chất cho hộ ông Hoàng Văn Thắng. Sau khi nhận được thông tin này, CĐT đã cho kiểm tra thực tế và hỗ trợ ngay về vật chất cho hộ dân bị thiệt hại.

Đại diện CĐT, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Mỹ 14 nhấn mạnh: "Sở dĩ Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước nói chung, đoạn qua tỉnh Đắc Nông nói riêng hoàn thành trước tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, ATGT…, thì ngoài sự nỗ lực, cố gắng cao độ của tập thể lãnh đạo và CBCNV Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương, trong quá trình triển khai thi công, CĐT đã nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn của chính quyền và đồng bào địa phương nơi dự án đi qua.

Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt từ Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về các vấn đề tiến độ, chất lượng, ATGT…". Không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải ngày càng tăng, thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, việc khánh thành và đưa vào khai thác Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước còn góp phần tạo ra động lực khai phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất vốn giàu tiềm năng này.

Ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông cho biết: Hiện nay, đường bộ là phương thức vận tải duy nhất để kết nối Đắc Nông với các địa phương khác. Việc đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sẽ là bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắc Nông nói riêng. Đơn cử, từ khi có trục đường huyết mạch Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Đắc Nông đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có những dự án lớn với vốn đăng ký hàng trăm triệu USD. Đơn cử như Dự án điện năng lượng mặt trời với quy mô lớn của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

P.V