Sắp "khai tử" xe chở rác chảy nước bẩn, bốc mùi hôi trên đường phố
Trước mắt, để khắc phục tình trạng thùng chứa rác rỉ nước, bốc mùi hôi khi lưu thông trên đường phố gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua, đơn vị chuyên môn của công ty đã triển khai sửa chữa các vị trí hư hỏng, xuống cấp và sử dụng tạm thêm một thời gian ngắn. "Đến cuối năm nay, số xe kèm thùng chứa nào hết niên hạn sử dụng là chấm dứt hoạt động, thùng chứa nào hỏng không đủ tiêu chuẩn cũng sẽ thải loại. Lúc đó các trạm trung chuyển sử dụng công nghệ ép rác đi vào hoạt động đồng bộ, các tồn tại lâu nay sẽ khắc phục", ông Huy cho hay.
Theo ông Lâm Xuân Ba - Trưởng phòng Kỹ thuật của Cty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, hiện có 3 xe cùng 6 container chở rác loại lớn được đầu tư từ hàng chục năm trước, đến năm 2000 đã thực hiện cải tiến một lần và nay đã hư hỏng, xuống cấp ở vị trí chứa nước rác sau khi cuốn ép. Cụ thể là bị ăn mòn, tạo các lỗ hở phía sau thùng xe, khiến nước bẩn chảy ra ngoài trong quá trình vận chuyển từ vị trí thu gom đến nơi xử lý. Mỗi thùng xe có sức chứa tối đa 8 tấn đang thực hiện chở rác tại 3 trạm là Hòa Thọ, Hòa An và Nguyễn Đức Trung với tần suất 6-9 chuyến mỗi ngày. Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân, công ty đã yêu cầu bộ phận chuyên môn kiểm tra, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý để không tái diễn tình trạng này. "Cùng với việc khắc phục các lỗ hở, các xe sẽ được lắp thêm thùng chứa kín dưới gầm. Nước rỉ rác sẽ được dẫn về đây bằng hệ thống khép kín đưa đến nơi xử lý tập trung. Chỉ khoảng 10 ngày là chúng tôi khắc phục xong tình trạng này, đảm bảo không để chảy ra trên đường phố như lâu nay", ông Ba cho biết.
Vào tháng 5-2022, Đà Nẵng đưa vào vận hành thử nghiệm trạm trung chuyển sử dụng công nghệ ép rác hiện đại đầu tiên ở Việt Nam với mức đầu tư 171 tỷ đồng được đặt tại đường Lê Thanh Nghị (Q. Hải Châu) với công suất 500 tấn/ngày. Rác sau khi ép được cho ra thùng kín có sức chứa 10,35 tấn/thùng. Các thùng này sau đó được nâng lên xe tải trọng lớn, chở thẳng lên bãi rác Khánh Sơn để xử lý. Đối với rác thải cồng kềnh, rác thải cứng sẽ được đưa vào máy xay, nghiền trước khi chuyển sang máy ép. Máy xay rác được đặt ở khu nhà riêng, được xem là máy xay rác hiện đại đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải, dự báo sẽ còn tăng lên 1.600 - 1.800 tấn trong thời gian đến. Số rác thải này được thu gom, vận chuyển thẳng lên bãi rác Khánh Sơn xử lý bằng các loại xe rác từ 5 - 7 tấn. Trong số hàng chục xe rác di chuyển trên đường phố hàng ngày, có nhiều xe đã quá thời hạn sử dụng, bị hư hỏng, xuống cấp, phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác, ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan đô thị, gây bức xúc cho người tham gia giao thông trên đường và trong khu dân cư. Để đảm bảo mỹ quan đô thị và hướng đến một thành phố môi trường, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư trạm trung chuyển rác, giúp thu gom rác trong khu vực trung tâm đô thị, chuyển rác vào các xe trọng tải lớn không phát sinh mùi hôi, nước rỉ trong suốt quá trình thu gom ở điểm trung chuyển cho tới điểm tập kết xử lý. Thành phố cũng sẽ giảm tải 70% lưu lượng xe rác, xe vận chuyển thu gom rác không chạy trên các tuyến phố gây ô nhiễm mùi hôi, giải quyết căn bản vấn đề môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải rắn. Sau thử nghiệm thành công đối với trạm ép rác tại đường Lê Thanh Nghị, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 3 trạm trung chuyển rác tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Công Khanh
Người dân bức xúc thái độ của một số công nhân thu gom rác Trong thời gian qua, người dân tại một số khu dân cư bức xúc phản ánh thái độ thiếu trách nhiệm của một số công nhân môi trường đô thị khi thực hiện thu gom rác tại hộ gia đình. Cụ thể, một số công nhân sau khi lấy rác được để sẵn trước nhà đổ vào xe nhỏ thì ném thùng đựng rác lăn lóc trên vỉa hè, lòng đường tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Nhiều gia đình không có người ở nhà đã thường xuyên mất thùng xốp đựng rác do bị ném ra đường, gió thổi bay. Về câu chuyện này, ông Nguyễn Đăng Huy cho biết, công ty quán triệt đến các xí nghiệp quận huyện tuyên truyền, chấn chỉnh đến toàn bộ công nhân. Những trường hợp cụ thể khi tiếp nhận thông tin chính xác phải kịp thời xử lý. "Công việc của họ rất vất vả, độc hại. Nhưng đã làm dịch vụ thì phải làm hết trách nhiệm để người dân hài lòng", ông Huy cho hay. |