Sát cánh cùng ngư dân

Thứ tư, 09/07/2025 07:20

Những năm qua, Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân tại khu vực cảng cá lớn nhất miền Trung - cảng cá Thọ Quang. Và những người lính quân hàm xanh trở thành điểm tựa cho từng con tàu vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

BĐBP kiểm tra thiết bị của tàu cá trước khi tàu rời bến vươn khơi đánh bắt.
Chủ tàu cá làm các thủ tục khai báo trước khi rời bến.

Với việc kết hợp giữa kiểm soát chặt chẽ với tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm các quy định, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP TP Đà Nẵng) đã và đang đưa công tác quản lý tàu thuyền đi vào nếp mới, qua đó giảm thiểu các hành vi vi phạm, bảo đảm môi trường khai thác thủy sản an toàn, bền vững.

Theo Đại úy Võ Xuân Chí- Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, cảng cá Thọ Quang có hàng trăm tàu cá ra vào mỗi ngày. Khối lượng công việc nhiều, bởi vậy, nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, con người đặt ra yêu cầu rất cao, cán bộ chiến sĩ của Trạm phải luôn thường trực, sẵn sàng và sử dụng thành thạo các thiết bị để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

Đại úy Chí kể, trên địa bàn, một số ngư dân trình độ học vấn chưa cao, thậm chí có người không biết chữ, nên công tác tuyên truyền, vận động của đơn vị gặp không ít khó khăn. Do đó, từng thanh viên của Trạm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát địa bàn và thâm nhập thực tế để tuyên truyền, vận động ngư dân. Để khắc phục những khó khăn đó, đơn vị duy trì chế độ trực 24/24 giờ, phối hợp Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Chi cục Thủy sản TP tổ chức các Đội liên ngành tuần tra kiểm soát, nhờ vậy, công tác quản lý tàu thuyền ngày càng đi vào nền nếp, giảm thiểu các vi phạm và bảo đảm môi trường khai thác thủy sản an toàn, bền vững.

BĐBP kiểm tra thiết bị của tàu cá trước khi tàu rời bến vươn khơi đánh bắt.

Cũng theo Đại úy Chí, tập thể đơn vị luôn cố gắng tận dụng, phát huy lợi thế của công nghệ, máy móc để dễ liên lạc, hướng dẫn ngư dân sử dụng trong tìm kiếm ngư trường đánh bắt, định vị, phòng tránh thiên tai; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn như in tờ rơi, in phiếu danh mục các giấy tờ và sổ sách để phát cho bà con dễ sử dụng, dễ bảo quản, nhất là trong điều kiện trên biển và mưa bão.

Sự tận tình, trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của ngư dân lên hàng đầu của Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang chính là sự kết nối và tạo dựng lòng tin của ngư dân đối với cán bộ chiến sĩ của đơn vị. Ông Nguyễn Văn Tiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 83295TS cho biết: "Lâu nay, việc thực hiện các quy định khi làm thủ tục xuất bến đối với bà con ngư dân chúng tôi đã trở thành nền nếp và chúng tôi luôn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Cán bộ chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang cũng luôn thân thiện, tận tình giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân khi làm thủ tục, giúp chúng tôi yên tâm vươn khơi, bám biển".

Trước thực trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, mỗi tàu cá khi xuất, nhập bến qua trạm đều phải ký cam kết không vi phạm IUU, đồng thời, phải bảo đảm các quy định về an toàn kỹ thuật, PCCC; trình danh sách và bảo hiểm thuyền viên, các giấy tờ hành nghề của thuyền trưởng, máy trưởng. Với những trường hợp không khai báo trước khi xuất bến sẽ bị xử phạt và buộc quay lại âu thuyền Thọ Quang để hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cùng với kiểm tra, kiểm soát, Trạm còn tăng cường xử lý những tàu không duy trì thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Việc xử lý này không chỉ giúp hạn chế vi phạm, mà còn nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân, góp phần giúp ngành thủy sản của Việt Nam sớm được Ủy ban châu Âu gỡ "thẻ vàng".

Điển hình mới đây, ông Phạm D. (1988, trú tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển phương tiện QNg 94745TS xuất phát từ âu thuyền Thọ Quang qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, nhưng không trình báo theo quy định. Lập tức, Trạm đã buộc ông D. đưa tàu quay lại trạm làm việc. Cũng con tàu này của ông D., Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang phát hiện chủ tàu vi phạm lỗi không duy trì thường xuyên thiết bị giám sát hành trình. Văn phòng đã gửi giấy mời làm việc, nhưng ông D. không chấp hành và lợi dụng đêm tối để đưa tàu ra khơi, không trình báo. Căn cứ vào hành vi vi phạm, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang đã tham mưu cho chỉ huy Đồn Biên phòng Sơn Trà ra quyết định xử phạt chủ phương tiện QNg 94745TS số tiền 5 triệu đồng; đồng thời, buộc tàu phải quay lại âu thuyền Thọ Quang, chỉ làm thủ tục xuất bến sau khi đã giải quyết vi phạm trước đó.

Để công tác quản lý tàu thuyền ngày càng đi vào nếp mới, thời gian qua, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang cũng luôn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân yên tâm làm ăn trên biển. Cụ thể, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, thông tin về Luật Biển Việt Nam, các quy định đánh bắt an toàn, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh việc kiểm tra, khi làm thủ tục xuất bến, cán bộ biên phòng nhắc nhở các chủ tàu khai báo, thực hiện đúng các quy định trước khi xuất bến để bảo đảm an toàn khi ra khơi. Sự tận tâm, trách nhiệm của những người lính Biên phòng chính là cầu nối để gắn kết tình quân dân, tạo nên sự đồng lòng trong hải trình phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Công Hạnh