Sau áp trần giá dầu, EU cân nhắc áp lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga
Gói trừng phạt thứ 9
Tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết lệnh cấm sẽ đưa ra ngoại lệ đối với một số sản phẩm trong ngành khai khoáng. Tuy nhiên, thông tin không nêu chi tiết.
Nga có thị trường khai thác mỏ rộng lớn và Liên minh châu Âu (EU) tin rằng việc nhắm mục tiêu vào lĩnh vực này sẽ giúp phương Tây gây thêm áp lực lên nền kinh tế Moscow. Nga là nhà cung cấp titan, paladi, vàng, quặng sắt và urani lớn trên toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngành khai khoáng của Nga chiếm 1/4 trong tổng số các khoản đầu tư nước ngoài của nước này trước cuộc xung đột Ukraine.
Gói trừng phạt thứ 9 bao gồm việc bổ sung gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách, trong đó có các lực lượng vũ trang, công ty công nghiệp quốc phòng và 3 ngân hàng của Nga. EC đề xuất cấm giao dịch hoàn toàn với Ngân hàng phát triển khu vực Nga. Bên cạnh đó, EC cũng đề xuất ban hành những quy định kiểm soát và hạn chế xuất khẩu đối với các hóa chất thiết yếu, chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin mà Nga có thể sử dụng. EU cũng sẽ ngăn chặn hoạt động cung cấp thiết bị bay không người lái và máy bay không người lái cho Nga, cũng như cấm xuất khẩu mặt hàng này sang nước thứ ba. Ngoài ra, EC cũng sẽ cấm phát sóng 4 kênh truyền thông của Nga, dỡ bỏ các kênh này khỏi tất cả các nền tảng phát sóng.
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2-2022, EU đã triển khai 8 gói trừng phạt với Nga. Trong một tuyên bố, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết việc áp dụng 8 gói trừng phạt đến nay thể hiện quan điểm cứng rắn của EU, song EC vẫn muốn "gia tăng áp lực đối với Nga".
Quyết tâm làm suy yếu Nga
Hôm 5-12, EU, Australia và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng. Động thái này được nhìn nhận là một bằng chứng quan trọng cho thấy quyết tâm không suy giảm của liên minh phương Tây trong làm suy yếu Nga sau xung đột ở Ukraine.
Việc áp giá trần đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến ngành xuất khẩu dầu thô của Nga. Tạp chí Phố Wall đưa tin ngày 7-12, báo cáo của hai nhà theo dõi dữ liệu xuất khẩu dầu thô của Nga đều cho thấy sự sụt giảm lớn, mặc dù mức độ là khác nhau. Theo hãng phân tích thị trường hàng hóa Kpler, hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga đã giảm gần 500.000 thùng/ngày vào hôm 6-12, tương đương với mức giảm 16% so với trung bình 3,08 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Trong khi đó, trang TankerTrackers.com, chuyên theo dõi các tàu biển qua tín hiệu và hình ảnh vệ tinh, báo cáo rằng sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm gần 50%. Phần sụt giảm mạnh nhất là các chuyến hàng được chuyển qua những bến cảng ở Biển Đen và Biển Baltic. Theo ông Samir Madani, nhà đồng sáng lập TankerTrackers.com, đó là sự sụt giảm đáng kể, chứ không phải là một cú dao động nhẹ.
Không chỉ có vậy, một số nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính StanChart đã đưa ra dự đoán rằng sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm mạnh trong năm tới. Bởi lẽ, liệu Nga có thể vận chuyển dầu tới những khách hàng chính của mình mà không cần sử dụng các dịch vụ của EU hoặc G7 hay không. Theo StanChart, kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, Nga đã âm thầm gây dựng được một đội tàu chở dầu đủ lớn để có thể vận chuyển hầu hết khối lượng hàng hóa cần thiết. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại vấn đề dịch vụ bảo hiểm sẽ gây ra các thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động chở dầu của Nga. Trước tình hình trên, giới phân tích dự đoán rằng sản lượng dầu thô của Nga có khả năng giảm 1,44 triệu thùng/ngày vào năm 2023, do thiếu trang thiết bị chất lượng cao cũng như thiếu khả năng tiếp cận với các công ty dịch vụ quốc tế. Đáng chú ý, dòng chảy dầu thô trên thế giới cũng đang bị mắc kẹt tại Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ do tranh chấp giữa các công ty bảo hiểm hàng hải và chính quyền địa phương liên quan đến lệnh trừng phạt và quy định về giới hạn giá mới.
Nga đưa ra 3 kịch bản trả đũa phương Tây
Hãng Sputnik ngày 7-12 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Nga đang cân nhắc 3 lựa chọn nhằm đáp trả việc EU và G7 áp trần giá dầu. Theo đó, lựa chọn thứ nhất là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu thô Nga sang các nước liên quan việc ủng hộ áp trần giá dầu, kể cả khi họ mua dầu Nga qua trung gian hoặc trong chuỗi cung ứng. Lựa chọn thứ 2 là cấm xuất khẩu dầu theo các hợp đồng trong đó có điều khoản liên quan trần giá dầu, bất kể nước nào là bên nhập khẩu. Thứ 3 là đưa ra "giá biểu thị", xác định mức giảm tối đa của dầu Urals dựa trên dầu thô Brent, và sẽ không thông qua bất cứ thỏa thuận bán dầu nào nếu mức giảm này gia tăng.
AN BÌNH