Sau gần một năm trùng tu, Hải Vân Quan dần lộ hình hài

Thứ sáu, 11/11/2022 14:55
Sau gần 1 năm bắt tay vào trùng tu, phục dựng, Hải Vân Quan đang dần lộ hình hài về gần nguyên trạng. Dự kiến giữa năm 2023 Hải Vân Quan sẽ hoàn tất để trở lại đón khách với tư cách là điểm đến độc đáo, khác biệt của cả nước, dưới sự chung tay quản lý của cả Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.
Cổng Hải Vân Quan phía Đà Nẵng.
Toàn cảnh Hải Vân Quan đang trong quá trình trùng tu.

Gián đoạn vài ngày sau trận mưa lịch sử hôm 14-10, các ekip làm việc trùng tu, phục dựng Hải Vân Quan tiếp tục tỉ mẩn với từng hạng mục công việc được phân công. Trên đỉnh Hải Vân, những bàn tay, khối óc thực hiện công việc đặc biệt này gần như không bị chi phối bởi từng đoàn xe, du khách qua lại phía dưới cung đường độc đáo của Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Kỹ sư Phan Huy Tân – cán bộ kỹ thuật của Phân viện miền Trung, Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết, từ ngày khởi công dự án trùng tu, phục dựng Hải Vân Quan vào tháng 12-2021, anh và ekip công nhân được tuyển chọn lấy đỉnh đèo làm nhà, “ăn sương nằm gió” với từng phiến đá cũ, từng viên gạch vồ hay những mảng tường đổ nát với mục tiêu làm sống lại di tích này gần nguyên trạng. Trong gần một năm kể từ ngày bắt tay vào thi công, thời tiết diễn biến thất thường, đội ngũ chuyên gia và cán bộ kỹ thuật phải linh động công việc săn tìm, vận chuyển vật liệu và thi công các hạng mục.

Có những ngày mưa gió dầm dề, bên ngoài dự án đã được dựng hàng rào bảo vệ trông rất vắng vẻ và tĩnh lặng nhưng phía trong tường thành, công nhân vẫn miệt mài với những mạch hồ, từng phiến đá được nhặt nhạnh dưới lòng đất hay cả những vật liệu mới được đưa về có chất liệu, màu sắc, kích cỡ tương đương để từng bức tường thành được cao lên, từng lối đi nội bộ được liên kết lại.

Những viên đá lấy tại chỗ được lựa chọn tỉ mỉ để xây phù hợp với từng đoạn tường thành.

Từ nền móng di tích khảo cổ, những đoạn tường thành bằng đá quanh cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đã được phục dựng. Nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố đã gần xong phần hồ gạch chờ vào gỗ, đường nội bộ được lát đá liên hoàn, cây leo bản địa được trồng phủ chân tường, nhiều mảng tường rêu phong đã lên. Hơn 200m con đường thiên lý nằm phía cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan phía Thừa Thiên - Huế đã liền mạch. Đến nay dự án đã thực hiện được khoảng 70% tiến độ. “Dự án không lớn về quy mô đầu tư nhưng là “độc nhất vô nhị”, không hề giống hàng trăm dự án mà chúng tôi đã thực hiện. Đây là thành lũy liên kết, lưu dấu nhiều thời kỳ, lại nằm trên cung đường thiên lý, giữa hai địa phương. Các giải pháp trùng tu đã được các chuyên gia đưa ra, tính toán và cân nhắc để đưa lại gần nguyên trạng sau tàn phá của chiến tranh và hoang phế vì thời gian. Để đảm bảo sự liên kết thời gian, việc trùng tu theo đặc điểm kiến trúc của thời kỳ nhà Nguyễn, thời Pháp, Mỹ, phù hợp với dòng chảy lịch sử, văn hóa là điều rất quan trọng” - ông Tân cho hay.

Những người thợ lành nghề cho biết, hầu hết đá dùng để trùng tu, phục dựng được gom góp tại chỗ, có viên lộ trên mặt đất, có những viên bị phủ bụi thời gian, dịch chuyển ra xa tường thành nằm im bên triền núi. Số đá có tuổi đời hàng trăm năm này chỉ rửa sơ lớp đất để gắn mạch hồ và giữ lại nguyên vẹn, trùng màu hoàn toàn vì cùng chung môi trường, khí hậu suốt bao năm qua. Riêng phần cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan và Hải Vân Quan được tu bổ bằng gạch vồ đặc trưng thu gom lại trong quá trình khảo cổ, tìm kiếm. Nếu thiếu, loại gạch đặc trưng này sẽ được tìm mua tại Huế về để bổ sung vào và xử lý làm sao để tạo sự đồng nhất tương đối, nhìn qua rất khó phát hiện. Thật kỳ diệu là trong hàng nghìn viên gạch được liên kết lại ở những vị trí đổ nát, có những viên như tìm lại được vị trí cũ sau thời gian dài “lạc mất nhau”. “Ngay cả việc đi tìm kiếm, đặt mua, vận chuyển vật liệu bù vào số đã mất hoặc hư hỏng cũng là một kỳ công. Không đơn giản để có một mảng tường, một đoạn thành hay lối đi gợi cảm giác xưa cũ. Một ít vật liệu mới được đưa về phải được xử lý cho có tính tương đồng, nếu không đạt phải đi chọn lại. Hàng chục năm đi trùng tu, phục dựng di tích, tôi chưa bao giờ thấy công trình nào mất thời gian nhưng đầy thú vị như việc đặt từng viên gạch, ghép từng viên đá như Hải Vân Quan”, ông Bình – một thợ xây kinh nghiệm vừa chọn đá vừa trò chuyện.

Cổng Hải Vân Quan phía Đà Nẵng.

Tháng 4 - 2017, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cùng bắt tay vào hợp tác trùng tu, bảo tồn Hải Vân Quan sau thời gian bị lãng quên và hoang phế. Sau khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, vào năm 2018, Hải Vân Quan bắt đầu một đợt khảo cổ quy mô để làm cơ sở cho việc trùng tu, phục dựng. Từ kết quả khảo cổ kết hợp với hình ảnh tư liệu quý, nhiều hội thảo, họp bàn lấy ý kiến các chuyên gia về phương án, cách thức trùng tu, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan đã được tổ chức. Đến tháng 12-2021, dự án trùng tu, bảo tồn, phục dựng Hải Vân Quan được Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế bắt tay tiến hành với ngân sách thực hiện hơn 42 tỷ đồng. Kỹ sư Phan Huy Tân cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6-2023.

Đông A