Sau nửa chặng đường Năm doanh nghiệp: Chuyển biến tích cực
(Cadn.com.vn) - Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Đà Nẵng đã chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ sau nửa chặng đường TP thực hiện quyết liệt “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.
“Điều quan trọng nhất của Năm Doanh nghiệp là phải hiểu rõ DN đang khó ở đâu và thành phố có thể “gỡ” được gì, tức là một sự kết nối thiết thực”- Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha nói. Bằng cách tiếp cận như vậy, nhiều cuộc đối thoại cởi mở đã diễn ra, những vướng mắc của DN phần nào được tháo gỡ.
Một vài dẫn chứng có thể kể đến như việc xúc tiến xây dựng Khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm của các DN thành phố Đà Nẵng. Đây là một nỗ lực cần thiết trong việc quảng bá với đối tác khi tới làm ăn tại Đà Nẵng xem DN ở đây có thể làm được gì, năng lực đến đâu? Cách này từng được áp dụng ở nhiều thành phố phát triển. Việc hỗ trợ DN thông qua Hội nghị kết nối cung- cầu sản phẩm của chính DN cũng rất thiết thực.
Ông Phan Hải- Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, khi mà thị trường sụt giảm phải tính nhiều phương án, trong đó việc DN dùng sản phẩm của nhau không chỉ tạo sự kết nối mà còn tự “gỡ khó” cho nhau. Chẳng hạn DN tôi 200 người dùng quần áo của DN anh thì DN của anh cũng dùng giày dép của tôi nếu có nhu cầu.
Sự kết nối này càng nhiều thì hiệu quả càng cao. Nói thì đơn giản vậy, nhưng cái tính liên kết của DN mình chưa cao nên nếu không có sự kết nối của TP, của các hiệp hội thì rất khó thực hiện. Mặt khác, theo ông Hải, với đặc thù phần lớn DN của Đà Nẵng quy mô nhỏ, việc kết nối để chia sẻ thị trường, quảng bá sản phẩm, thông tin đơn hàng-đối tác rất quan trọng.
Thay vì cạnh tranh trực tiếp để hạ giá thành thì các DN nhỏ cần liên kết nhiều hơn, để đối tác nhắm tới Đà Nẵng trong một đơn hàng, một dự án là một cộng đồng, một hiệp hội chứ không chỉ là một DN. Chính sự liên kết mới đủ sức “ôm” những miếng bánh lớn.
Trở lại vấn đề Năm Doanh nghiệp, ông Phan Văn Kha nói, bên cạnh tháo gỡ về vốn vay, về thị trường, hỗ trợ quảng bá DN thông qua các hội chợ thì phải tạo sự thông thoáng thực sự trong cơ chế quản lý hành chính. Thậm chí ngay cả việc kiểm soát thị trường ráo riết của lực lượng QLTT cũng là hỗ trợ DN, bởi vì nó tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Hơn nữa, việc hỗ trợ không chỉ dừng ở những việc trực tiếp, trước mắt mà cần tính đến chiến lược lâu dài. Chẳng hạn việc quy hoạch lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để tính cho 10 năm tới thì phải làm bài bản từ bây giờ. Việc quy hoạch có chiến lược, DN đầu tư thấy yên tâm, thuận lợi, thì tức là TP đã hỗ trợ DN rồi.
Tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu linh kiện điện tử trong 6 tháng với 9,8%. |
Hiện Sở Công Thương đã đánh giá năng lực của 10 DN công nghiệp Đà Nẵng để tiến hành chuyển giao công nghiệp hỗ trợ từ Hàn Quốc. Trong đó, 3 DN trong ngành cơ khí sẽ được cử đi Hàn Quốc để tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong đợt này. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của TP trong tương lai- ông Phan Văn Kha chia sẻ.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là nỗ lực vươn lên vượt bậc của chính các DN, sau 1/2 chặng đường của Năm Doanh nghiệp thì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%, giá trị SXCN tăng 12,2%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 10,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Những số liệu tuy rất khô khan ấy nhưng lại nói lên nhiều tín hiệu đáng mừng. Chẳng hạn như xuất khẩu (hơn 543 triệu USD) thì rất khích lệ, bởi đây là thời điểm DN gặp nhiều biến động nguồn cung nguyên liệu. Hệ quả rõ rất là việc nhập nguyên liệu may mặc, giày gia chủ yếu từ Trung Quốc đã bị tác động đáng kể, nguồn cung thất thường kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông.
Hoặc như thủy sản đạt hơn 73 triệu USD, tăng gần 24% trong khi phải đối mặt với tác động tiêu cực từ biển Đông. Lý giải sự tăng trưởng này, một phần vì các DN nhanh chân tìm nguồn nhập nguyên liệu từ ASEAN, Ấn Độ ngay khi nguồn cung từ Trung Quốc bấp bênh. Thậm chí với ngành thủy sản, khi thương lái Trung Quốc không sang mua, các nhà máy chế biến càng có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu dễ dàng hơn.
Theo ông Phan Văn Kha, trong nửa Năm Doanh nghiệp còn lại kinh tế TP sẽ đối mặt những trở ngại nhất định. Trước mắt là việc Trung Quốc ngừng một số chuyến bay trực tiếp tới Đà Nẵng và khuyến cáo công dân của họ không đến Việt Nam du lịch đã ít nhiều ảnh hưởng tới sức mua sắm của lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Kế tiếp, nguồn nhập khẩu máy móc, nguyên liệu của DN chủ yếu từ Trung Quốc cũng sẽ tác động nhất định tới sản xuất. Trước thực trạng đó, việc thực hiện nửa Năm Doanh nghiệp còn lại càng cần phải quyết liệt, từng bước tạo ổn định sản xuất bền vững cho DN.
Hải Quỳnh