Saudi Arabia tăng tốc chương trình hạt nhân, căng thẳng gia tăng

Thứ hai, 08/04/2019 12:33

Ở ngoại ô Riyadh, một địa điểm xây dựng đang nhanh chóng được chuyển thành nơi bắt đầu cuộc tìm kiếm năng lượng hạt nhân của Saudi Arabia, động thái khiến Quốc hội Mỹ lo ngại cũng như gây ra những cơn thịnh nộ ở Tehran.

Saudi Arabia muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế và năng lượng của nước này. Ảnh: CNN

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, việc xây dựng lò phản ứng thử nghiệm đang đạt được tiến bộ "nhanh chóng", chỉ 3 tháng sau khi vương quốc này công bố kế hoạch xây dựng. Ông Robert Kelley, cựu Giám đốc kiểm tra hạt nhân tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ước tính, lò phản ứng có thể được hoàn thành trong "9 tháng đến 1 năm".

Saudi Arabia đã cởi mở về chương trình hạt nhân của mình với IAEA, và cơ quan này cũng cử một đội đến Riyadh vào tháng 7-2018 để kiểm tra kế hoạch xây dựng. Riyadh cũng nhiều lần cam kết chương trình hạt nhân là hòa bình, nhưng Thái tử Mohammed bin Salman hồi năm ngoái từng khẳng định: "Không nghi ngờ gì nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ theo đuổi càng sớm càng tốt".

Điều khiến các chuyên gia trong ngành và Quốc hội Mỹ lo ngại là khi Saudi Arabia nhấn mạnh rằng nên cho phép họ sản xuất nhiên liệu hạt nhân của riêng mình, thay vì nhập khẩu trong các điều kiện nghiêm ngặt.

"Tầm nhìn 2030"

Saudi Arabia đã công khai với tham vọng hạt nhân của mình cách đây 9 năm, nhưng việc đẩy kế hoạch tiến nhanh như hiện nay là một phần của chiến lược "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm đưa Riyadh thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế và năng lượng của nước này.

Saudi Arabia tiêu thụ khoảng 1/4 sản lượng dầu nước này sản xuất được và sản lượng này sẽ khó giữ vững sự ổn định khi nhu cầu năng lượng của đất nước dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2030. Vì vậy, kế hoạch chi tiết của "Tầm nhìn 2030" bao gồm việc phát triển năng lượng mặt trời và gió cũng như chương trình hạt nhân nhằm cung cấp 1/3 nhu cầu năng lượng từ các nguồn tài nguyên phi dầu mỏ.

Về lâu dài, Saudi Arabia muốn sử dụng 17 gigawatt công suất hạt nhân vào năm 2040, đủ để cung cấp 15% nhu cầu năng lượng của nước này. Lò phản ứng thử nghiệm đang được xây dựng tại Thành phố Khoa học và Công nghệ King Abdulaziz, nơi chuyên đào tạo các nhà khoa học của nước này. Ông Kelley cho rằng, Riyadh sẽ mất 100 năm để xử lý đủ lượng plutonium cho sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tiếp theo, Saudi Arabia muốn xây dựng hai lò phản ứng thương mại và đang thu hút các nhà thầu. Có 5 Cty lọt vào vòng đấu thầu cuối cùng: Westinghouse từ Mỹ, cũng như các Cty từ Trung Quốc, Nga, Pháp và Hàn Quốc. Saudi Arabia cũng ký thỏa thuận với Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc thăm dò trữ lượng uranium ở vương quốc này.

IAEA đã cử một nhóm đến Saudi Arabia vào tháng 7-2018 để xem xét sự phát triển của cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Kết luận của IAEA cho rằng, Saudi Arabia "hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình" thông qua quan hệ đối tác với các quốc gia có ngành công nghiệp hạt nhân. Trong chuyến thăm tới Riyadh vào tháng 1 vừa qua, ông Mikhail Chudakov, Phó Tổng Giám đốc IAEA, khẳng định Saudi Arabia đã "có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân". Nhưng khi Riyadh muốn chuyển sang giai đoạn tiếp theo - thúc đẩy lò phản ứng tại thành phố Abdulaziz và các nhà máy hạt nhân thương mại, họ cần có sự xem xét kỹ lưỡng hơn của IAEA.

Mỹ quan ngại

Sự hoài nghi trong Quốc hội Mỹ về việc Saudi Arabia có thể là đối tác đáng tin cậy hay không xuất hiện kể từ sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul hồi năm ngoái. Điều đó giờ đây thể hiện rõ trong việc Washington xem xét kỹ lưỡng chương trình hạt nhân của Riyadh, và đặc biệt là liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có đảm bảo việc nước này không phổ biến vũ khí hay không.

Khi được hỏi liệu có thể chấp nhận Saudi Arabia trở thành cường quốc hạt nhân hay không, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thể hiện rõ quan điểm trong cuộc phỏng vấn truyền hình hôm 5-4. "Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới", ông Pompeo nói với CBS. "Tổng thống hiểu được mối đe dọa của sự phổ biến vũ khí. Chúng tôi sẽ không bao giờ ký một tờ séc 150 triệu USD cho Saudi và trao cho họ khả năng đe dọa Israel và Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, không bao giờ", ông Pompeo khẳng định.

Một nghị quyết lưỡng đảng được giới thiệu tại Thượng viện hồi tháng 2 yêu cầu việc sử dụng bất kỳ công nghệ năng lượng hạt nhân nào của Mỹ ở Saudi Arabia phải được kèm theo các biện pháp bảo vệ để đảm bảo rằng Riyadh không thể làm giàu uranium hoặc tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng.

Đảng Dân chủ tại Hạ viện hồi tháng 2 tuyên bố, vào năm 2017, các quan chức Nhà Trắng đẩy mạnh việc bán công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia bất chấp cảnh báo từ các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia. Một phát ngôn viên của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết, báo cáo là "một lý thuyết âm mưu lố bịch". Trong các cuộc trao đổi sôi nổi tại Ủy ban Vũ trang Thượng viện vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho rằng, nếu Mỹ không hợp tác với Saudi Arabia, họ sẽ tìm đến Nga hoặc Trung Quốc để phát triển ngành công nghiệp hạt nhân. "Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm việc rất, rất chăm chỉ để cố gắng đưa những quốc gia muốn phát triển các chương trình hạt nhân dân sự vào phạm vi của Mỹ, bởi vì chúng tôi cam kết không phổ biến vũ khí", ông Perry cho biết. Theo ông Perry, ông đã phê duyệt việc các Cty Mỹ bán công nghệ điện hạt nhân và hỗ trợ cho Saudi Arabia, nhưng không cho phép chuyển giao vật liệu, thiết bị hoặc linh kiện hạt nhân.

Iran tuyên bố rằng, chính quyền Trump có kế hoạch bán công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia mà không có biện pháp bảo vệ đầy đủ. "Đầu tiên là một nhà báo bị ám sát, bây giờ việc bán công nghệ hạt nhân bất hợp pháp cho Saudi Arabia đã phơi bày hoàn toàn", Ngoại trưởng Javad Zarif viết trên Twitter hồi tháng 2. Và vào tháng 3, Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, cáo buộc các quốc gia trong khu vực đang phát triển "các dự án hạt nhân đáng ngờ", điều này sẽ buộc Tehran phải sửa đổi chiến lược quốc phòng.

Dù chiến lược năng lượng của Saudi Arabia là gì, và dù họ thành thật cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân, sự tồn tại đơn thuần của một chương trình hạt nhân chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng trên Vùng Vịnh.

AN BÌNH