Sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cho từng khu vực

Thứ tư, 11/08/2021 07:45

Đã hơn 10 ngày áp dụng Chỉ thị 05 nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, con số dương tính vẫn còn ở mức cao. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 10-8, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các địa phương từ phường/xã đến quận/huyện tự đánh giá về nguy cơ lây nhiễm tại địa phương để thành phố làm cơ sở áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cho từng khu vực.

Bên cạnh công tác khoanh vùng, dập dịch, công tác xét nghiệm cũng đang được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Kiểm soát chặt các điểm nóng

Theo ông Phan Văn Sơn – Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, ngày 10-8, thành phố ghi nhận thêm 74 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, 53 trường hợp đã cách ly, 20 trường hợp trong khu phong tỏa, 1 trường hợp chưa cách ly. Ca bệnh trong cộng đồng trú huyện Hòa Vang, có triệu chứng, đi khám tại phòng khám trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) sau đó được lấy mẫu xét nghiệm. Các địa phương thuộc quận Sơn Trà vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới với 42 trường hợp. Trong đó, phường Nại Hiên Đông 17 trường hợp, Mân Thái 17 trường hợp, Thọ Quang 7 trường hợp, An Hải Đông 3 trường hợp. 

Theo ông Sơn, dù thành phố đã siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch nhưng con số dương tính vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí ngày nay cao hơn ngày hôm qua. Điều này cho thấy, dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực nhưng một số người dân ý thức chưa cao, chưa nghiêm túc thực hiện nguyên tắc nhà cách ly với nhà làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh công tác giám sát, khoanh vùng và cách ly cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm toàn dân cho 100% đại diện hộ gia đình. Ngoài ra, cần sớm triển khai tập huấn cho đội ngũ y tế ở 56 trạm y tế xã phường về công tác lấy mẫu nhằm đảm bảo nhu cầu xét nghiệm của người dân cũng như giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế tuyến trên.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các địa phương từ xã/phường đến quận/huyện trên địa bàn thành phố phải nhanh chóng tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở địa phương mình theo 4 mức độ gửi báo cáo về Sở Y tế trong ngày 11-8 để làm cơ sở tham mưu, đề xuất cho thành phố triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cho từng vùng, từng địa phương cụ thể. Bên cạnh, các địa phương phải tăng cường kiểm soát chặt các điểm nóng về dịch bệnh, đặc biệt tại các phường trên địa bàn quận Sơn Trà. Về việc lập các quầy bán hàng lưu động cho người dân khi nhiều chợ đã đóng cửa do liên quan đến các ca F1, ông Triết yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan.

Đà Nẵng chuẩn bị triển khai tiêm vaccine cho người dân, hướng đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.

Triển khai tiêm vaccice cho người dân

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, tại cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thành phố trước đó, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đề nghị Sở Y tế căn cứ vào số lượng vaccine được phân bố từng đợt để xây dựng kế hoạch tiêm cụ thể, bảo đảm đúng đối tượng và nguồn nhân lực triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu cuối năm 2021, Đà Nẵng đạt miễn dịch cộng đồng nếu được phân bổ đủ vaccine. Đồng thời, ông Chinh đề nghị UBND các quận, huyện lập danh sách người đủ điều kiện tiêm chủng kèm theo thông tin cá nhân cụ thể, gửi về Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật, thống kê. Công an thành phố triển khai lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm tiêm. Theo Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đây là kế hoạch dài hơi, ngành y tế thành phố cần triển khai hiệu quả, đúng tiến độ.

Để công tác triển khai tiêm cho người dân đạt kết quả cao nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cũng yêu cầu Sở Y tế tham mưu UBND thành phố thiết lập 10 địa điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố với 100 điểm tiêm chủng, tổng công suất có thể thực hiện tiêm chủng cho khoảng 20.000 người/ngày. Ngành y tế chủ động rà soát tất cả các cán bộ, lực lượng y tế hiện đang làm việc, từ tuyến xã trở lên để tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác tiêm chủng. Ngoài ra, cũng tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ y tế tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đủ điều kiện, lực lượng cán bộ y tế hưu trí để hỗ trợ triển khai công tác tiêm chủng.

Hiện, tổng số liều vaccine COVID-19 AstraZeneca được Bộ Y tế phân bổ cho Đà Nẵng tại Quyết định số 3491/QĐ-BYT ngày 17-7 là 30.000 liều. Sau khi sử dụng để tiêm mũi 2 cho hơn 8.000 đối tượng trong đợt vừa qua, số vaccine còn lại là 2.272 lọ. Sở Y tế dự kiến sẽ tiêm mũi 1 cho 26.582 người, thời gian tổ chức tiêm dự kiến từ ngày 11-8 đến hết ngày 14-8. Để đảm bảo an toàn và tiến độ tiêm chủng, Sở Y tế bố trí hơn 30 điểm tiêm đặt tại 4 địa điểm là Cung Thể thao Tuyên Sơn (10 điểm), Bệnh viện Ung bướu (6 điểm), Trung tâm Hội chợ Triển lãm (10 điểm) và Khu Ký túc xá phía Tây (5 điểm); ngoài ra còn tổ chức 2 điểm tiêm trên xe tiêm lưu động phục vụ các đối tượng tại các khu vực bị phong tỏa.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó có 826.000 người từ 18 tuổi. Để tiêm đủ 2 mũi cho số lượng này, thành phố cần 1,6 triệu liều vaccine. Nếu được phân bố đủ vaccine, đến cuối năm 2021, thành phố sẽ tiêm đạt 100% số người từ đủ 18 tuổi trở lên, góp phần đạt miễn dịch cộng đồng.

PHI NÔNG