Sẽ áp giá trần đối với sữa

Thứ tư, 30/04/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-4, Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra giá sữa trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 tại 5 doanh nghiệp là: Cty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Cty CP sữa Việt Nam, Cty TNHH Nestle Việt Nam, Cty TNHH Frieslandcampina Việt Nam và Cty TNHH dinh dưỡng 3A.

Bộ Tài chính cho biết sẽ áp giá trần đối với mặt hàng sữa - động thái được cho là sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng hỗn loạn về giá sữa hiện nay.  Ảnh: Đ.B

Theo Bộ Tài chính, 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa nói trên chiếm thị phần khoảng 90% các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Có tới 4 trong tổng số 5 doanh nghiệp trên kê khai thiếu thuế. Tổng số tiền thuế đã thiếu trong năm 2013 của những đơn vị này là hơn 10,2 tỷ đồng. Trong số này, Cty TNHH Nestle Việt Nam là doanh nghiệp có số thuế còn thiếu lớn nhất - hơn 5,2 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật

Bộ Tài chính khẳng định xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đã được xác định đối với từng công ty. Cụ thể:

- Xử phạt vi phạm hành chính về giá  đối với: Cty TNHH Nestle Việt Nam do trong năm 2013 đã kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa, vi phạm quy định tại khoản 3, Điều11, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ. Ngày 17-4-2014, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 62/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về giá với mức xử phạt là 45 triệu đồng.

- Phát hiện và truy thu đối với 4/5 công ty có hành vi đã kê khai thiếu thuế phải nộp NSNN năm 2013 với số tiền là 10.206.606.587 đồng, gồm: Cty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai thiếu thuế TNDN, thuế nhà thầu phải nộp là 5.249.651.230 đồng; Cty CP sữa Việt Nam kê khai thiếu thuế TNDN, thuế GTGT phải nộp là 2.745.849.764 đồng; Cty TNHH dinh dưỡng 3A kê khai thiếu thuế TNDN phải nộp là 1.894.013.929 đồng; Cty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam kê khai thiếu thuế GTGT phải nộp là 317.091.664 đồng.

Ngoài ra, đang xem xét để xử lý theo quy định đối với số tiền phải trả về phí bản quyền, các khoản thu hộ, chi hộ tại Công ty TNHH Nestle Việt Nam.

Ngoài ra, theo kết quả thanh tra, 4 trong tổng số 5 doanh nghiệp có mức chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị vượt quy định. Tổng số tiền vượt quy định của 4 doanh nghiệp được Bộ Tài chính thống kê là 386 tỷ đồng. Điều này làm tăng giá thành, giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 2,18 tới 16,39%.

Từ đó, cơ quan chức năng yêu cầu các công ty rà soát lại việc xác định giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm đảm bảo phù hợp với chi phí và mức lợi nhuận của sản phẩm này.

Cũng theo kết quả thanh tra được Bộ Tài chính công bố, trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm nay, các công ty trong diện thanh tra đều đã điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (không có trường hợp giảm giá). Năm 2013 có 4 công ty tăng giá một lần, riêng Cty Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá hai lần. Mặt hàng tăng thấp nhất là 2,4% mặt hàng tăng cao nhất là 30,668%.

Riêng 3 tháng đầu năm nay, có 2/5 công ty đã tăng giá bán là Cty CP sữa Việt Nam: từ ngày 10-2 tăng giá 27/32 sản phẩm, từ ngày 1-4 tăng giá 5/32 sản phẩm với mức tăng từ 7% -14% và Cty Nestle Việt Nam: từ ngày 1-2 tăng giá 11/24 sản phẩm với mức tăng từ 5 - 9%.

Nói về biện pháp bình ổn giá sữa thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính cho trình phương án thực hiện đăng ký giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và quy định giá tối đa (giá trần) với mặt hàng trên. “Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cho chủ trương áp dụng các biện pháp bình ổn giá mà Bộ Tài chính đã trình” - báo cáo của Bộ Tài chính viết.                    

N. An