Sẽ có bệnh viện y học cổ truyền khu vực miền Trung - Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Trong khi bệnh viện y học cổ truyền (BVYHCT) của một số địa phương trong cả nước đang lúng túng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không có bệnh nhân, thì tại BVYHCT TP Đà Nẵng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, thu hút bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hội trường thành... phòng khám
Nhiều năm qua, với phương châm “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, BVYHCT Đà Nẵng đã không ngừng phát triển từ BV chuyên khoa thành BV đa khoa YHCT. Đội ngũ thầy thuốc ở đây có trình độ chuyên sâu về YHCT, giàu kinh nghiệm, được đào tạo và tu nghiệp từ các trường đại học, học viện có uy tín trong và ngoài nước, đã điều trị hiệu quả các bệnh cấp và mạn tính như: Bệnh lý cơ xương khớp, thoát vị đĩa đệm, di chứng tai biến mạch máu não, mất ngủ, bệnh trĩ, bệnh phụ khoa, bệnh nam khoa, phục hồi chức năng Nhi khoa. BV đã thành lập nhiều đơn vị điều trị chuyên khoa sâu và hầu hết các phương pháp điều trị mới nhất, hiệu quả nhất trong lĩnh vực Đông y đều đã được triển khai tại BV, với ghi nhận sự hài lòng của người bệnh khá cao.
BVYHCT TP Đà Nẵng ngày càng thu hút được đông đảo bệnh nhân trên địa bàn và các địa phương trong cả nước, bởi hơn 1 năm qua, BV đã rất thành công và trở thành mô hình cho nhiều BV cả nước tìm đến học hỏi kinh nghiệm về châm cứu điều trị cai nghiện ma túy kết hợp với dùng thuốc Nam (ĐTCNMT). Con số 332 bệnh nhân được ĐTCNMT thành công tại BVHYCT và Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực của tập thể thầy thuốc, cán bộ y tế BVYHCT TP, đã tạo được tiếng vang trong cả nước. Bệnh nhân khắp nơi tin cậy tìm đến khiến BV luôn phải gồng mình vì quá tải.
Trong cơ chế hiện nay, một số BVYHCT tuyến tỉnh của cả nước lo lắng vì không có bệnh nhân, thì BVYHCT TP Đà Nẵng lại luôn trăn trở, âu lo khó có thể chăm sóc bệnh nhân chu đáo như mong muốn vì thường xuyên quá tải. BV được xây dựng ban đầu với quy mô 100 giường, sau đó kế hoạch tăng lên 160 giường bệnh, nhưng thực tế hiện nay luôn phải chịu áp lực hơn 300 giường bệnh. Áp lực về nhân sự khiến các lương y, thầy thuốc của BV phải tăng thời gian làm việc gấp nhiều lần, không có thời gian nghỉ ngơi.
Song, áp lực về cơ sở vật chất mới thật sự là vấn đề nan giải. Đến BV vào một ngày cuối tháng 8, tôi có cảm giác như BV là “sở chỉ huy”, những bóng dáng “Blues trắng” tất bật với người bệnh; phòng hội trường trở thành phòng Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng và phòng khám bệnh; hành lang tiếp giáp giữa 2 dãy nhà được cơi nới thành 4 phòng khám bệnh; phòng trực điều dưỡng tận dụng làm phòng thay đồ và phòng nghỉ ngơi của nhân viên y tế; trưởng các khoa cũng nhường phòng cho phòng điều trị bệnh; tổ hộ lý được “linh động” bố trí dưới gầm chân cầu thang... Cái khó ló... cái tình! Từ Ban Giám đốc đến nhân viên y tế đều vui vẻ chấp nhận mọi khó khăn về cơ sở vật chất, áp lực công việc để phục vụ bệnh nhân tốt nhất. Nhiều sáng kiến, hiến kế đã được triển khai để một BV chỉ có 100 giường bệnh có thể thường xuyên chịu áp lực của 300 giường bệnh.
Trong lúc khó khăn nhất, BV đã được UBND TP, Sở Y tế TP quan tâm thành lập thêm cơ sở 2 tại 342- Phan Châu Trinh để điều trị ngoại trú; nhân sự phải chia làm đôi chạy đi chạy về giữa 2 cơ sở rất vất vả. Song, tất cả điều đó chỉ là giải pháp tình thế. BVYHCT TP Đà Nẵng rất cần sự đầu tư về cả nhân lực và cơ sở vật chất để xứng tầm BVYHCT lớn nhất miền Trung- Tây Nguyên.
Hành lang giữa 2 dãy nhà được cơi nới thành 4 phòng điều trị từ nguồn kinh phí của BVYHCT TP. Ảnh: H.Nhật |
Gần 180 tỷ đồng cho BVYHCT xứng tầm khu vực
Sẽ thật bất công nếu như vì tin tưởng vào trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh của BVYHCT TP Đà Nẵng, mà người bệnh cứ mãi phải chấp nhận vượt tuyến, trái tuyến khi đến với BV này. Vì cơ chế BHYT và những quy định hiện nay khắt khe về nhân sự, về cơ sở vật chất, mà Đà Nẵng cũng như các địa phương khác của cả nước, BVYHCT tuyến tỉnh, TP không có đầu thẻ BHYT, không thông tuyến. Bởi, hầu hết các BV tuyến quận, huyện đều có Khoa YHCT nên rất ít bệnh nhân được chuyển tuyến. Để được điều trị bệnh với chất lượng tốt nhất, người bệnh không có cách nào khác là tự vượt tuyến, trái tuyến đến với BVYHCT nên rất thiệt thòi cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của YHHĐ và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân, việc xây dựng BVYHCT TP Đà Nẵng trở thành BVYHCT lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên là khát vọng chính đáng, là ước mơ vì người bệnh của tập thể BVYHCT TP. Chính vì vậy, ngày 2-8-2016, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với BVYHCT TP Đà Nẵng mới tại P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, với quy mô 300 giường bệnh, diện tích sử dụng đất gần 22.000m2, tổng vốn đầu tư gần 180 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP.
BVYHCT TP Đà Nẵng mới sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động điều trị cho các bệnh nhân trong và ngoài TP; điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; phục hồi chức năng Nhi khoa bằng phương pháp Đông - Tây y kết hợp; điều trị hỗ trợ cắt cơn CNMT; du lịch chữa bệnh; thành lập Trung tâm Điều dưỡng bằng YHCT; phát triển Hội quán Đông y, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; đầu tư các phòng và thiết bị khám chữa bệnh tương đương với BV Đa khoa hạng Hai; đầu tư các khu vực trồng cây thuốc, ươm giống và nghiên cứu giống thuốc mới...
BVYHCT TP Đà Nẵng mới được quan tâm đầu tư xây dựng, sẽ không chỉ là một bệnh viện YHCT đa khoa chuyên sâu của Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mà còn là trung tâm điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cho người dân, là địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng để chữa bệnh và an dưỡng đầu tiên của cả nước.
Hồng Nhật