Sẽ có cơ chế đặc thù để Đà Nẵng vươn tầm châu lục
Ngày 24-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính thức ký ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với Hải Phòng, Đà Nẵng là địa phương được ban hành Nghị quyết riêng với các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá phát triển sau chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp, du lịch, thương mại, tài chính, Iogistics của khu vực. |
ĐÔ THỊ BIỂN ĐÁNG SỐNG ĐẲNG CẤP CHÂU Á
Nghị quyết số 43 nêu rõ: Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, Iogistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục định hình Đà Nẵng là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030: Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 - 13,5%/năm; công nghiệp 11,5 - 12,5%/năm; nông nghiệp 4 5%/năm. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD. Quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người; giải quyết việc làm mới hằng năm trên 3,5 vạn lao động. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Nghị quyết đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra. Về phát triển kinh tế, thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; chủ động thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, BOT, BT; có cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối miền Trung Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, Tiểu vùng Mê Công. Kết nối hệ thống giao thông thành phố Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó TP Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị khu vực. Nghị quyết cũng nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ, toàn diện phát triển văn hóa xã hội gắn liền các chính sách xã hội trên địa bàn như Chương trình "5 không", "3 có", "4 an"'. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc trên địa bàn; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, biển đảo.
Kinh tế biển là một trong 5 mũi nhọn đột phá của Đà Nẵng thời gian tới. |
ĐỘNG LỰC MỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Về cơ chế, chính sách đặc thù, Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, bảo đảm tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm. Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng phân công cho các Cơ quan, ban ngành T.Ư và địa phương triển khai thực hiện đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả, có sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư tiếp tục có chỉ đạo kịp thời. Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất của Đà Nẵng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể cho Đà Nẵng theo thẩm quyền. Quan trọng hơn, Nghị quyết yêu cầu Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo chuẩn bị đề án kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật...
QUANG HUY