Sẽ có định nghĩa mới về “kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”

Thứ hai, 02/03/2015 08:08

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-2, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (KTTTĐHXHCN), nhằm góp phần phục vụ trực tiếp việc tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới và Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Đúc rút thực tiễn 30 năm đổi mới

Báo cáo đề dẫn tọa đàm do GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ trong quá trình đổi mới, Đảng ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn khái niệm tổng quát về KTTTĐHXHCN. Thực tiễn 30 năm đổi mới đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nền kinh tế liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển ổn định; tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, bền vững và ấn tượng, được cộng đồng thế giới công nhận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Thể chế KTTTĐHXHCN, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Hầu hết các loại giá cả hàng hóa, được xác lập theo nguyên tắc thị trường. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế-xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình này còn có nhiều hạn chế, yếu kém và gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hầu hết các loại giá cả hàng hóa được xác lập theo nguyên tắc thị trường.
Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Nguyên An

Nhận thức mới

Trong quá trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn, kế thừa và tiếp thu những thành quả lý luận của các Đại hội Đảng qua 6 kỳ đại hội, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII đã nêu ra định nghĩa mới về khái niệm KTTTĐHXHCN. Đó là: KTTTĐHXHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền KTTTĐHXHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực Nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội.

Trên cơ sở thống nhất nhận thức về nền KTTTĐHXHCN Việt Nam theo tinh thần nêu trên, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII đã tiếp tục cụ thể hóa, nêu ra phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nền KTTTĐHXHCN trong giai đoạn 5-10 năm tới. Cụ thể, “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế KTTTĐHXHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo được trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội”.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về: Thực trạng nhận thức và thực tiễn về KTTTĐHXHCN; nhận thức mới về KTTTĐHXHCN. Các nhà khoa học góp ý kiến về nhận thức khái niệm tổng quát về nền KTTTĐHXHCN sau 30 năm đổi mới có giá trị định hướng lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ; nêu rõ những vấn đề cần tiếp tục cụ thể hóa nhận thức khái niệm tổng quát về KTTTĐHXHCN cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam và những biến đổi của tình hình quốc tế, khu vực trong vòng 5-10 năm tới, trước mắt đến năm 2020. Từ những nhận thức tổng quát và cụ thể về KTTTĐHXHCN, các đại biểu thảo luận về các nhiệm vụ, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế-xã hội và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội.

Thu Thủy – TTXVN

Về khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

Theo Tạp chí Cộng sản, kế thừa và phát triển đường lối đổi mới của Đại hội VI, tại Đại hội VII, Đảng ta lần đầu tiên đưa ra khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khái niệm này nhấn mạnh đặc trưng của nền kinh tế thị trường (KTTT) ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ. Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã có bước phát triển mới với chủ trương: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đến Đại hội IX, khái niệm KTTTĐHXHCN chính thức được đưa vào Văn kiện, trong đó khẳng định: Phát triển KTTTĐHXHCN là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. KTTTĐHXHCN ở Việt Nam là một kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của KTTT, vừa dựa trên và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây là nền KTTT có tổ chức, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước XHCN, được định hướng cao về mặt xã hội, hạn chế tối đa những khuyết tật của thị trường nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của đại đa số nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Có thể nói, đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết thực tiễn và là bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng ta trên lĩnh vực kinh tế. KTTT  là “cái phổ biến”, còn KTTT định hướng XHCN là “cái đặc thù” của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam. Định hướng XHCN của nền KTTT thể hiện ở những điểm cơ bản sau: Thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển; có sự quản lý của Nhà nước, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

B.T