Sẽ đầu tư mạnh mẽ cho thủy sản

Thứ ba, 15/04/2014 23:28

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-4, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản trong những năm tới với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo các địa phương có biển trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

THỦY SẢN Đà VƯỢT QUA NHIỀU KHÓ KHĂN

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, những năm qua ngành thủy sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đến nay, tổng lượng thủy sản đã đạt xấp xỉ 6 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm tỷ trọng 54,2%) với tổng số lao động nghề cá trên 4,5 triệu người, vươn lên thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Đến năm 2013, đã có gần 118.000 tàu cá trên cả nước tham gia hoạt động khai thác thủy sản, trong đó, số tàu có công suất trên 600CV đạt 28.285 chiếc với sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn. Hiện cả nước có 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22.000 tàu cá tham gia/145.000 lao động và 50 nghiệp đoàn đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản đã tăng mạnh kể từ năm 2000 đến nay với nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp được hình thành. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đến nay, cả nước đã có 583 DN chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó hơn 410 cơ sở SXKD thủy sản đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện VSATTP, gần 400 DN đã áp dụng các quy phạm GMP, SSOP, HACCP, ISO 14001..., đạt tiêu chuẩn sản xuất sạch hơn, được phép xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga... Nhiều chính sách đầu tư cho thủy sản cũng đã được áp dụng một cách có hiệu quả đã tạo ra một “cú hích” thực sự để cho ngành thủy sản Việt Nam có bước phát triển mới trong điều kiện hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Phương Kiếm

TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ VỀ CHÍNH SÁCH

Về cơ chế, chính sách trong thời gian đến, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách đã có, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách khác. Cụ thể đối với chính sách tín dụng cần áp dụng chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá. Trước mắt, tập trung đóng tàu dịch vụ hậu cần đi kèm với các tổ, đội sản xuất trên biển và các tàu khai thác đối tượng giá trị cao như cá ngừ đại dương, mức vay 80% giá trị con tàu; thời hạn vay 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất ở mức ưu đãi 2,5%/năm và tài sản thế chấp chính là con tàu được hình thành.

Dự kiến tổng giá trị gói tín dụng này khoảng 48.000 tỷ đồng. Đề nghị ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi để nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xuất khẩu thủy sản; mở rộng định mức vay và giãn thời hạn trả nợ ngân hàng, ưu tiên được vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý đối với các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản... Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề xuất một số chính sách mới. Đó là, vay tín dụng ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với ngư dân 28.000 tàu cá khai thác xa bờ với mức vay trung bình 200 triệu đồng/chuyến biển (năm), thực hiện trong 10 năm với gói tín dụng dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng; chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra trong đó được bổ sung nội dung cho vay mới để khôi phục sản xuất.

Thực hiện hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên tham gia khai thác hải sản trên biển, thời hạn 10 năm để khắc phục rủi ro cho ngư dân với kinh phí khoảng 2.580 tỷ đồng. Giữ mức vốn ngân sách Nhà nước T.Ư thực hiện Đề án cho giai đoạn 2016-2020 là 2.500 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá và 400 tỷ đồng/năm để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần...

PHẢI HÀNH ĐỘNG NGAY

Sau khi lắng nghe ý kiến lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu kết luận hội nghị. Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ, ban, ngành cần rà soát, xác định lại những vấn đề còn có ý kiến để phát triển nhanh, bền vững hơn ngành thủy sản, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước, cải thiện đời sống ngư dân, bảo vệ tốt chủ quyền biển, đảo, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Ngay sau hội nghị cần phải có hành động ngay để rà soát lại tất cả các chính sách sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong điều kiện có thể để thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển trong giai đoạn mới.

Thủ tướng cũng lưu ý, cần tập trung đẩy mạnh chính sách tín dụng cho người đang có tàu đóng mới tàu vỏ sắt hiện đại, công suất lớn; cải hoán, nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển; hình thành liên kết chuỗi cung ứng từ đánh bắt, nuôi trồng đến tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản. Nên đưa ra mức lãi suất cho vay phù hợp kể cả cho xuất khẩu để hỗ trợ tối đa, thuận lợi và tốt nhất cho ngư dân; cho vay từng bước theo nhu cầu để ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ sắt, gắn với vay bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tính mạng của ngư dân.

Thủ tướng cũng đồng ý sẽ dùng vốn ngân sách để đầu tư cho hạ tầng, trước hết là đối với các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, hậu cần nghề cá, hệ thống thông tin liên lạc... Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đối với chính sách xóa đói giảm nghèo cho ngư dân ở các bãi ngang để bà con yên tâm bám biển, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Phương Kiếm