Sẽ mở rộng đánh giá chất lượng giáo dục theo chuẩn mực quốc tế

Thứ hai, 16/12/2013 11:04

(Cadn.com.vn) - Nghị quyết Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT vừa được ban hành, trong đó xác định Đổi mới công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá là giải pháp đột phá. Làm thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh và chất lượng giáo dục Việt Nam?

Điều quan trọng là việc đánh giá chất lượng học sinh phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực và được quốc tế thừa nhận. Nhân dịp lần đầu tiên Việt Nam tham gia đánh giá chất lượng học sinh phổ thông quốc tế (PISA) và được xếp thứ hạng cao, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với P.V về những thông tin liên quan đến sự kiện này.

Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN

 P.V: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết ý nghĩa của việc tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế PISA công bố xếp hạng năng lực học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao trên thế giới vừa qua?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việt Nam đã bước vào hội nhập quốc tế nên cũng cần phải biết năng lực học sinh của mình có thể tham gia vào quá trình hội nhập được không khi các em sẽ trở thành những người lao động trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay.

Mình rất cần phải biết học sinh Việt Nam có năng lực như thế nào để biết rõ điểm yếu kém sẽ bồi dưỡng, khắc phục, tìm cách vượt qua để trình độ học sinh của Việt Nam cũng phải tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy Việt Nam đã tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA.

Trên thế giới có nhiều chương trình đánh giá học sinh nhưng PISA là chương trình hiện đại, đảm bảo tính khách quan, trung thực hơn cả và được thiết kế bởi Hiệp hội các nước phát triển OECD nên tính khách quan, đúng đắn đảm bảo tốt hơn là lý do để Việt Nam tham gia chương trình này.

 P.V: Việt Nam có điểm xuất phát về kinh tế thấp mà kết quả xếp hạng của học sinh lại cao như vậy, điều này có khách quan không thưa ông ?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả này rất khách quan vì về mặt kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn theo PISA, từ việc chọn mẫu học sinh, chọn nhà trường tham gia chương trình rồi việc thiết kế đề thi, chấm thi cũng đảm bảo tuân thủ chặt chẽ.

Kỹ thuật của PISA theo một quy trình chặt chẽ và khách quan. Người ta có thể không ngồi với mình nhưng qua cách thiết kế, cách làm, họ vẫn phát hiện ngay nếu có hành vi vi phạm, khi đó tự nhiên logic của quá trình đánh giá sẽ bị thay đổi và kết quả sẽ bị hủy ngay lập tức.

Tuy thế, khi Việt Nam đạt được kết quả cao, người ta cũng bất ngờ và cử chuyên gia sang thẩm định, kiểm tra lại. Những gì thấy nghi ngờ PISA yêu cầu mình giải trình, mình phải nói được đúng lý do thỏa đáng mới được chấp nhận. Vì vậy trong 3 tháng vừa rồi mình phải giải trình nhiều và họ cũng có người sang thẩm tra lại. Trong quá trình làm cũng có người nước ngoài đến hoặc người Việt Nam được thuê giám sát quá trình hoạt động. Vì thế đây là kết quả hoàn toàn khách quan.

So với 65 nước được công bố kết quả thì năng lực Khoa học của học sinh Việt Nam xếp thứ 8, năng lực Toán học thứ 17, năng lực Đọc hiểu thứ 19. Như vậy có nghĩa là những năng lực được đánh giá lần này, học sinh Việt Nam đều đứng ở tốp 20 nước có kết quả cao nhất.

Việt Nam tham gia đánh giá chất lượng học sinh phổ thông quốc tế (PISA)
và được xếp thứ hạng cao.

 P.V: Thưa ông, có ý kiến cho rằng học sinh Việt Nam chỉ giỏi giải các bài toán và trả lời các câu hỏi có sẵn trong khi thực thế cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân muốn thành công thì tự phải vạch ra đề bài, xác định câu hỏi rồi tìm con đường để đi đến đáp án, ông bình luận như thế nào về nhận định này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong đề thi của PISA, người ta cũng có yêu cầu học sinh phải tự nhận ra những vấn đề, tìm cách giải quyết vấn đề. Việt Nam mình khi ra đề theo truyền thống thường cho đầy đủ các dữ kiện và nếu học sinh không sử dụng đủ dữ kiện thì không giải được. Nhưng với PISA, có khi họ cho thừa có khi lại thiếu dữ kiện. Thừa thì anh phải chọn ra những cái cần thiết, thiếu thì anh phải tìm trong thực tế, tính thực tế để giải quyết vấn đề. Như vậy chất lượng PISA cũng có ý nghĩa phát hiện được năng lực phát hiện vấn đề của học sinh.

Tuy nhiên , nhìn chung, chúng tôi vẫn đánh giá năng lực phát hiện vấn đề của học sinh Việt Nam cũng chưa phải là giỏi. Những năng lực khác như năng lực giao tiếp, cộng tác, sáng tạo, năng lực xã hội hay còn gọi là kỹ năng mềm thì học sinh mình vẫn còn yếu. PISA đánh giá những năng lực về Toán học, Đọc hiểu, Khoa học, còn những năng lực khác chưa đánh giá nên chúng ta cũng phải nhìn nhận học sinh mình giỏi về những năng lực được PISA đánh giá nhưng chưa phải giỏi một cách toàn diện.

Vì vậy chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu này, tập trung vào nâng cao những năng lực chung, năng lực xã hội, năng lực mềm cho học sinh.

 P.V: Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về những thay đổi trong việc kiểm định, đánh giá chất lượng học sinh trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Theo Nghị quyết Trung ương 8 lần này, đổi mới kiểm tra đánh giá là một trong những giải pháp được Bộ GD-ĐT xác định là giải pháp đột phá.

Thứ nhất, theo chương trình cũ, mình đánh giá kết quả học tập của học sinh, bây giờ mình không chỉ đánh giá kết quả học tập mà phải đánh giá cả quá trình học tập, trong quá trình đó phát hiện xem học sinh có những gì khó khăn, có gì tốt. Tốt thì động viên, khuyến khích; khó khăn thì hướng, giúp các em vượt qua. Thứ 2, đối với đánh giá kết quả thì không chỉ là kết quả các em đã học được gì mà quan trọng là kết quả vận dụng được kiến thức vào trong cuộc sống và giải quyết được những vấn đề trong học tập, trong cuộc sống như thế nào.

Việt Nam hiện thực hiện đánh giá chất lượng từng học sinh, từng người học nhưng thế giới đánh giá chất lượng học sinh, chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng quốc gia không phải chỉ dựa vào từng học sinh. Như việc các em có thể làm những đề khác nhau nhưng tổng hợp lại sẽ được một kết quả chung của một địa phương, một đất nước-đây gọi là đánh giá trên diện rộng. Thông qua PISA, Việt Nam học được phương pháp này. Hiện Việt Nam bắt đầu bắt tay vào việc chuẩn bị cho kỳ PISA năm 2015. PISA triển khai 3 năm 1 lần, năm 2012 lần đầu tiên và năm 2015 sẽ là lần thứ 2 Việt Nam tham gia.

 Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mỹ Bình

(thực hiện)