SHB.Đà Nẵng và câu chuyện cũ về những cầu thủ “dính chàm”

Thứ ba, 15/04/2014 09:07

(Cadn.com.vn) - 3 trong 7 cầu thủ của ĐT U23 Việt Nam “dính chàm” tại SEA Games 2005 là Quốc Anh, Hải Lâm và Phước Vĩnh đã vượt qua mặc cảm, chiến thắng dư luận và bản thân để đứng dậy. Bây giờ, họ đang là những trụ cột không thể thiếu của đội bóng sông Hàn. Và đằng sau hành trình trở lại của Quốc Anh, Hải Lâm và Phước Vĩnh, có những câu chuyện đầy tình người, đáng để chiêm nghiệm.

1. Không ngẫu nhiên mà người viết gợi lại câu chuyện này của những cầu thủ U23 Việt Nam năm nào. Bởi cách đây mấy ngày, hàng loạt cầu thủ CLB V.Ninh Bình đã thừa nhận với cơ quan công an về hành vi tham gia cá độ trong trận đấu mà họ trực tiếp đá bóng. Sự việc đã làm rúng động nền bóng đá nước nhà, khu vực và cả châu lục. Ngay lúc này, dư luận đã đặt ra những giả thiết về tương lai các cầu thủ Ninh Bình, trong đó có những tuyển thủ U23 Việt Nam như Trần Mạnh Dũng, Lê Văn Thắng, Quang Hùng. Nên hẳn nhiên, câu chuyện nhúng chàm và quá trình trở lại của những Hải Lâm, Phước Vĩnh, Quốc Anh, Bật Hiếu, Văn Trương, Văn Quyến, Quốc Vượng đang được dư luận đem ra so sánh.

Trở lại với câu chuyện của SHB.Đà Nẵng và những cầu thủ từng “dính chàm”, hồi đó, họ quyết định cưu mang Phước Vĩnh, Quốc Anh và Hải Lâm để giúp họ sớm đứng lên sau sa ngã. Thậm chí năm ngoái Quốc Anh còn đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng. Trong khi đó, 4 cầu thủ khác thì rất lận đận gồm Văn Quyến, Văn Trương, Bật Hiếu, hoặc đã giải nghệ là Quốc Vượng. Điều đó nói lên rằng, SHB.Đà Nẵng đã làm tốt hơn các đội bóng khác trong việc tạo điều kiện cho các cầu thủ “dính chàm” biết cách đứng dậy.

Chia sẻ về điều này, Tổng giám đốc Cty CP Thể thao SHB.Đà Nẵng - Bùi Xuân Hòa nói: “Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh đứng dậy được và thành công như bây giờ nhờ nỗ lực bản thân họ. Họ là những người có ý chí, nghị lực tuyệt vời mới vượt qua nỗi mặc cảm của một cầu thủ mang trong mình tội bán rẻ Tổ quốc. Nhưng, họ may mắn vì hồi đó được sống trong môi trường của Đà Nẵng”.

Mãi sau này, trong nhiều chia sẻ, Hải Lâm, Phước Vĩnh và Quốc Anh không quên công ơn SHB.Đà Nẵng đã cưu mang họ. Nói theo cách của nhiều người, SHB.Đà Nẵng đã có cách đối xử đầy tình người với 3 cầu thủ này. Hồi đó, Đà Nẵng tạo điều kiện cho họ tập luyện chung trong thời gian họ hưởng án treo. Ngoài ra, đội bóng sông Hàn còn chu cấp cho những cầu thủ này khoản tiền tiêu xài cá nhân cần thiết. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng có những động thái để giúp họ được giảm án.

Nói theo cách của ông Bùi Xuân Hòa thì Đà Nẵng khác những nơi khác là ở chỗ cách cư xử: “Chúng tôi có thể tự hào vì tin rằng cách cư xử đầy tình người đó đã giúp những cầu thủ sa ngã sớm trở lại với bóng đá đỉnh cao. Và quan trọng nhất, bây giờ, họ đang là những cầu thủ trụ cột của SHB.Đà Nẵng”.

Nỗ lực trở lại của Huỳnh Quốc Anh đã được người hâm mộ ghi nhận
với Quả bóng Vàng 2012.

2. Như đã nói ở trên, bên cạnh được tạo điều kiện tốt thì chính nỗ lực và ý chí vượt qua mặc cảm đã giúp Hải Lâm, Phước Vĩnh, Quốc Anh có được như bây giờ. Ông Bùi Xuân Hòa kể: “Tôi còn nhớ trận đầu tiên Hải Lâm, Phước Vĩnh, Quốc Anh trở lại thi đấu chính thức trong màu áo SHB.Đà Nẵng là tại mùa giải 2008. Trận đó, SHB.Đà Nẵng làm khách sân Lạch Tray của Hải Phòng. Ngay khi xuất hiện, Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh bị khán giả la ó nên cóng chân có đá được đâu. Hồi đó họ chịu áp lực lớn ghê gớm vì mặc cảm và chúng tôi động viên rất nhiều. Nói vậy để thấy, con người ta đứng dậy được sau sa ngã không hề đơn giản”.

Bây giờ, Hải Lâm, Phước Vĩnh là hai trung vệ trụ cột của SHB.Đà Nẵng. Còn Quốc Anh từ ngày trở lại luôn là cầu thủ không thể thiếu. Không chỉ SHB.Đà Nẵng, người hâm mộ và giới chuyên môn cả nước đã công nhận những cố gắng, nỗ lực của Quốc Anh khi bầu anh là chủ nhân Quả bóng Vàng 2012.

3. Từ câu chuyện trở lại của những cầu thủ “dính chàm” năm xưa, nhiều người đặt vấn đề liệu những cầu thủ V.Ninh Bình tham gia cá độ bây giờ có cơ hội trở lại hay không. Bàn về vấn đề này, rất nhiều ý kiến lãnh đạo VFF và đội bóng ủng hộ loại vĩnh viễn họ ra khỏi đời sống bóng đá. Đơn giản vì thời điểm bây giờ và 2005 hoàn toàn khác.

Chia sẻ về điều này, ông Bùi Xuân Hòa nói: “Thời điểm năm 2005, người hâm mộ dễ châm chước cho những hành vì sai trái của cầu thủ. Hồi đó, chúng tôi tạo điều kiện cho anh em vì họ còn quá trẻ lại bị lôi kéo vì chưa có những bài học nhãn tiền. Còn bây giờ, cầu thủ “dính chàm” chắc chắn không ai cứu, kể cả SHB.Đà Nẵng. Tôi ủng hộ Ninh Bình làm đến nơi đến chốn vụ này, càng mong muốn VFF mạnh mẽ, quyết liệt để cùng phối hợp với các cơ quan chức năng loại bỏ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá. Chúng tôi hoan hô Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đưa ra quan điểm sẽ loại những cầu thủ bán độ ra khỏi đời sống bóng đá. Xa hơn, cần phải đưa họ đối diện với pháp luật, với những bản án để làm gương”.

Rõ ràng, vụ việc của các cầu thủ V.Ninh Bình đã đi quá xa so với khả năng thông cảm, châm chước của người hâm mộ cũng như lãnh đạo bóng đá nước nhà.

Khánh Hòa