Siem Reap - thành phố giữa đại ngàn

Thứ hai, 07/09/2015 08:37

* Bài 1: Thánh địa Angkor Wat

(Cadn.com.vn) - Vượt qua hơn 1.000km đường bộ từ khẩu Lệ Thanh (H. Đức Cơ, Gia Lai), chúng tôi đến đất nước chùa tháp Campuchia, thành phố Siem Reap hiện ra trước mắt chúng tôi, nơi gắn liền với các địa danh nổi tiếng như  quần thể Angkor, Biển Hồ (Tonle Sap). Siem Reap-một đô thị sầm uất, năng động giữa những con đường mới. Thế nhưng, chỉ cần "nhón vài bước chân" trên con đường thảm nhựa, băng qua giữa những cánh rừng cổ thụ là quần thể của những kiến trúc kỳ vĩ còn lại của một đô thị cách đây 900 năm.

Đỉnh tháp Angkor Wat - nơi tượng trưng cho 5 đỉnh núi Meru của các vị thần ở.

Có mặt tại khu di tích Angkor từ sáng sớm, chúng tôi đã chứng kiến nơi đây đã đông kín khách du lịch quốc tế. Người ta không ngần ngại bỏ ra 20 USD/người để mua tấm vé vào chiêm ngưỡng những di sản của thế giới này. Và mỗi năm, hàng triệu du khách trên toàn thế giới đến Siem Reap, chủ yếu để được tham quan khu đền cổ nổi tiếng Angkor Wat và kinh thành cổ Angkor Thom. Với số tiền bạn bỏ ra, bạn có cả một ngày để tham quan Angkor Wat, Angkor Thom và các di tích trong quần thể kiến trúc này. Thế nhưng, để tham quan, để chiêm ngưỡng hết vẽ đẹp, kỳ bì và quyến rũ "biểu tượng hoàng kim" trên quốc kỳ của Vương quốc này, có lẽ phải mất cả tuần mới "thấm"...

Vượt qua con đường dài nữa dưới những tán cây cổ thụ còn đẫm sương, giữa thoáng thâm u của rừng già, phía trước, Angkor Wat hiện ra giữa nền trời xanh thẳm. Theo tính toán của các chuyên gia, di tích trải rộng trên một diện tích đủ chứa 100 tàu sân bay tương đương 2 triệu m2. Cổng chính để vào ngôi đền được đặt ở hướng Tây, khi ánh bình minh xuất hiện cũng là lúc 5 ngọn tháp chính nổi bật lên giữa nền trời, anh bạn người Campuchia đi cùng nói bằng tiếng Việt rành mạch: 5 ngọn tháp là kiến trúc chính của Angkor Wat, tượng trưng cho 5 đỉnh núi thiêng Meru nằm đâu đó ở phía bắc của dãy Himalaya, theo đạo Hindu đó cũng là nơi thiên đường mà các vị thần cư ngụ.

Ngay từ cổng đền, 2 bức tượng rắn thần Nagar 7 đầu mà bạn có thể bắt gặp ở những kiến trúc đền, chùa của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ, thân rắn được kéo dài thành lan can của con đường lát đá vào đền. Nagar còn là vị thần canh giữ và bảo vệ, trung gian giữa trời và đất, là vị thần đưa tin giữa thế giới người phàm và thần linh. Theo quan niệm của người Khmer, rắn Nagar 7 đầu còn là tượng trưng của sự vĩnh hằng, bất tử và người ta tin rằng những tượng rắn Nagar xuất hiện ở các cổng, mái tháp của Angkor Wat che chở cho thánh địa này luôn bình yên.

Bước chân trên con đường được lát bằng đá sa thạch được bảo hộ 2 bên là thần rắn Nagar vào ngôi đền, lòng bâng khuâng chợt hỏi đã bao nhiêu đời người, triều đại từng đặt chân lên những phiến đá này. Đây cũng là con đường duy nhất để đi qua hào nước rộng gần 200m, dài 1,5km được bao quanh ngôi đền và thêm một bức tường thành bằng đá cao 8m nữa để vào bên trong ngôi đền. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là nơi chính điện của Angkor Wat. Thêm một lần bước qua những bậc thang nữa để vào phần thứ 2 của ngôi đền, trước mắt là bức phù điêu bằng đá với những nét tinh xảo về nét văn hóa mang yếu tố của Hindu giáo.

Con đường xuyên giữa rừng cây cổ thụ vào Angkor Wat và Angkor Thom.

Đặc biệt, bức phù điêu dài 80m ghi lại dấu ấn về vị vua Suryavarman II (Tấm khiên mặt trời)-người đã cho xây dựng nên thánh địa Angkor Wat vào đầu thế kỷ XII nổi bật hơn cả. Người ta kể rằng, bức phù điêu về vị vua Suryavarman II cũng như đội quân của ông từng được phủ bằng vàng và sáng rực lên khi ánh nắng chiếu vào. Giờ lớp vàng đã biến mất bởi con người, thời gian, chỉ còn những nét điêu khắc trên đá kia trường tồn.

Với ước muốn Angkor Wat sẽ là thế giới của các vị thần trên mặt đất, Suryavarman II đã xây dựng nơi này thành nơi để thờ tự, để bày tỏ lời cầu nguyện đến các vị thần và ghi lại dấu ấn riêng của mình. 5 đỉnh tháp hùng vĩ - tượng trưng cho 5 ngọn núi thiêng Meru cuối cùng cũng hiện ra trước mắt du khách giữa một sảnh đá bao quanh các hành lang với các phù điêu đầy ma mị ấn tượng. Đây cũng là tượng trưng cho Thiên đường và trở thành nơi để Suryavarman II gửi lời cầu nguyện với đấng thần linh. Bậc thang để lên với "thiên đường" bằng đá này cũng được thiết kế kỳ lạ, bạn chỉ vừa đặt đủ bàn chân và dốc thẳng. Thế nên, một là bạn phải xoay nghiêng người để lên, 2 là dùng cả tứ chi để lên được tòa tháp, khi đi xuống bạn phải nghiêng người nhón từng bước một mà không xoay lưng lại với nơi thiêng liêng này. Để phục vụ việc đi lại cho khách du lịch đủ mọi lứa tuổi và an toàn, một cầu thang bằng sắt được lắp đặt để du khách lên với 5 đỉnh tháp này.

Ngọn tháp chính cao 65m tượng trưng cho nơi ngự trị của thần Vishnu và 4 tháp phụ cao 42m đều có 3 tầng trượng trưng yếu tố: Đất - Nước - Gió hay Địa Ngục - Trần gian - Thiên đường theo quan niệm Ấn Độ giáo. Những bậc thang nhỏ, hẹp đưa chúng tôi lên tầng đỉnh tháp. Ở đây có thể bao quát được toàn bộ Angkor Wat, cảm tưởng như với tay có thể chạm đến bầu trời xanh vắt bồng bềnh mây trắng. Lịch sử lưu lại rằng, năm 1431, kinh đô Angkor bị xâm chiếm và năm sau vua người Khmer đã bỏ nơi này để về Phnom Penh, từ đó Angkor Wat bị quên lãng giữa rừng già, đầm lầy bao phủ, chỉ có những con thú hoang là "chủ" nơi này. Mãi đến đầu thế kỷ thứ XIX, Angkor Wat được khám phá bởi một học giả người Pháp và nó tiếp tục được bảo tồn đến ngày nay. Gần 1 thiên niên kỷ đã qua, những cột đá rêu phong, tượng cổ vẫn còn đó, những bức phù điêu vẫn đầy những nét mềm mại, tiên nữ Apsara trên bức phù điêu kia vẫn nở nụ cười hiền lành, huyền bí.

Minh Tân
(còn nữa)