Siết chặt quản lý để tránh hỗn loạn
Bài 1: Đau đầu với xe ben xuất xứ Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Hàng loạt lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô-tô được phát hiện mỗi khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý. Và để né bị kiểm tra hoặc các chế tài xử lý, các đơn vị vận tải, tài xế tìm đủ cách đối phó. Từ đó dẫn đến vô số hệ lụy, từ hạ tầng giao thông xuống cấp, gây TNGT... Xem ra bài toán giải quyết vi phạm trong loại hình kinh doanh vận tải này còn lắm cam go nếu các ngành chức năng không có biện pháp chế tài mạnh...
Nhiều năm qua, người dân TP rất bức xúc với cánh tài xế xe ben chở đất đá, vật liệu xây dựng, nhất là những "cung đường nóng" như Hoàng Văn Thái, QL14B, Ngô Quyền, Trường Chinh... Trong khi đó, đơn vị vận tải thì buông lỏng quản lý, còn tài xế tìm đủ chiêu đối phó cơ quan hữu trách... Hậu quả, hàng loạt vụ TNGT thảm khốc, đường sá bị cày nát và cảnh người dân bức xúc vì xe ben chở quá tải, chạy quá tốc độ, gây ô nhiễm bụi đã chặn xe diễn ra liên tục trên các tuyến này. Ám ảnh với người đi đường là luôn nơm nớp lo sợ tai họa do "hung thần" xe ben mang tới. Hẳn nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại vụ TNGT xảy ra sáng 7-6-2012 tại bùng binh đường Ngô Quyền-Yết Kiêu-Nguyễn Phan Vinh (Q. Sơn Trà). Tài xế Lương Huy Hoàng (1983, trú H. Điện Bàn, Quảng Nam) điều khiển xe ben BKS 43X-1384 do chạy tốc độ cao nên khi qua vòng xuyến không làm chủ được tay lái đã tông vào trạm gác của Trung đoàn Công binh 83- Tư lệnh vùng C Hải quân làm 3 người thiệt mạng và 1 chiến sĩ của Trung đoàn bị thương nặng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng TP, hậu quả do xe ben gây ra xuất phát từ nhiều hành vi, trong đó có thực trạng vi phạm của dòng xe ben xuất xứ Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Câu chuyện các tuyến đường, cây cầu của TP bị tàn phá, cày nát là một trong những nguyên nhân do các doanh nghiệp, chủ xe có xe ben xuất xứ Trung Quốc ăn gian thành thùng, xi-téc (cơi nới tăng thể tích thùng/bồn chứa), chủ yếu là các nhãn hiệu xe Cửu Long, Howo, Dongfeng... Một số tài xế loại xe này thừa nhận: do xe có kích thước thùng lớn, máy khỏe và rẻ tiền hơn những dòng xe khác của Hàn Quốc nên nhiều doanh nghiệp chọn mua. Với kích thước thùng xe 5,6m x 2,3m x 1,3m, có thể chở được từ 20-30 tấn (tùy theo đất, đá, vật liệu xây dựng khác). Nếu ăn gian khi dùng gỗ cơi cao thêm thùng có thể chở thêm hơn 5 tấn nữa.
Xe ben xuất xứ Trung Quốc của một doanh nghiệp tại Đà Nẵng. |
Quan sát trên các cung đường QL14B, Hoàng Văn Thái, chúng tôi thấy cánh tài xế lái xe ben xuất xứ Trung Quốc khi lái xe trên đường đều báo hiệu với nhau khu vực có CSGT để giảm tốc độ, nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra. Riêng về đêm, họ vô tư chở vượt tải, lượng đất đá cao hơn thành thùng từ 20-30cm, trong khi đó bạt che sơ sài. Như lời tài xế thì họ đều là những người làm thuê, mỗi chuyến vận chuyển đất đá kiếm được khoảng 30-40.000 đồng nên cố "đua". Với đơn vị thuê lái xe vận chuyển thì do muốn công trình san lấp mặt bằng của mình đúng tiến độ nên quản lý tài xế rất lỏng lẻo.
Theo ông Nguyễn Hương- Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, dòng xe ben sản xuất từ Trung Quốc xuất hiện tại Đà Nẵng từ khoảng năm 2011. Hiện toàn TP có hơn 1.000 xe và 887 xe có trong danh sách kiểm định tại Trung tâm (số còn lại có thể kiểm định tại các trung tâm khác trên toàn quốc). Qua kết quả kiểm định thì lỗi vi phạm của dòng xe này lớn hơn rất nhiều so với những dòng xe ben khác, chủ yếu là vi phạm về hệ thống lái, thắng, tín hiệu, cầu, khí xả không đạt. Với thùng hàng, qua nghiệp vụ (quan sát bằng mắt thường), từ tháng 4 đến nay, trung tâm đã buộc 20 xe phải khắc phục do cơi nới thùng, còn thời gian trước đó thì rất nhiều xe vi phạm. Ngoài ra, có đến hơn 50% xe xi-téc ô-tô xuất xứ Trung Quốc chở nhiên liệu vượt quá trọng tải cho phép.
Theo khảo sát của Thanh tra Bộ GTVT tại Đà Nẵng mới đây thì hầu hết xe ben sản xuất tại Trung Quốc chở vật liệu xây dựng vượt tải khi chở vừa đủ theo thể tích thùng xe. Cũng nhiều chủ xe cố tình cơi thùng trung bình thêm 30cm để vận chuyển, điển hình như xe Dongfeng L375 (thông số kỹ thuật xe về kích thước thùng 5,8m x 2,3m x 1,5m, 3 trục). Theo Thông tư 07/2009, tổng tải trọng cho phép của loại xe này tối đa chỉ là 24 tấn, nhưng khi chưa cơi nới xe L375 đã chở tới hơn 40 tấn, còn nếu cơi thêm 30cm thành thùng, tổng trọng lượng chở lên gần 51 tấn. tương tự, dòng xe Dongfeng L300 khi cơi nới chở khoảng 44-46 tấn, trong khi tổng trọng lượng thiết kế chỉ tối đa 25 tấn.
Ông Nguyễn Hương cho hay, theo quy định trước đây thì hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế liên quan đến ô-tô không có quy định cụ thể về thể tích đối với thùng chở hàng của xe ô-tô tải tự đổ. Các thông số về tải trọng, kích thước thùng hàng (hoặc thể tích thùng hàng) thường được nhà sản xuất công bố để người sử dụng lựa chọn xe phù hợp với mục đích chuyên chở. Đến tháng 8-2012, Bộ GTVT mới có Thông tư số 32 quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô-tô tải tự đổ, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc tải tự đổ, ô-tô xi-téc, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc xi-téc tham gia giao thông đường bộ.
Bất cập ở chỗ, hơn 1.000 xe ben xuất xứ Trung Quốc hiện có tại Đà Nẵng đã mua trước khi có Thông tư 32 và xe đã được cấp đăng kiểm, nên theo luật dòng xe này vẫn hoạt động hợp pháp. "Nhìn từ công tác kiểm định thì với dòng xe ben Trung Quốc, khi chở hàng đầy thùng 100% xe đều vi phạm khi tham gia giao thông. Cụ thể, với loại xe 3 trục, quy định được chở từ 10-12 tấn thì nếu chở đầy thùng theo thiết kế sẽ lên đến 20-30 tấn (vượt 8 đến 18 tấn); xe 4 trục quy định chỉ chở 16-18 tấn thì chở đầy thùng phải đến 30-40 tấn (vượt 12 đến 22 tấn" - ông Hương nói. Trước mắt Trung tâm đăng kiểm khi tiến hành kiểm định chỉ lấy số liệu đo đạc kích thước của thùng hàng để báo cáo với ngành giao thông, còn chuyện có hồi tố hay không còn phải chờ vào quyết định của Bộ GTVT sau này...
(còn nữa)
Bài, ảnh: Công Hạnh