Siêu âm thai-những điều cần biết

Thứ năm, 30/01/2020 09:00

Siêu âm là xét nghiệm phổ biến trong việc chăm sóc trước khi sinh.

SIÊU ÂM CƠ BẢN 6 LẦN TRONG THAI KỲ

Thông thường một bà mẹ được siêu âm cơ bản 6 lần trong suốt thời kỳ mang thai. Nếu có bất thường như đau bụng, ra máu hay nghi ngờ dị tật, có thể số lần siêu âm thai nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ.

Siêu âm quý 1:

Siêu âm bắt đầu lúc thai từ 6-10 tuần. Hội Bác sĩ sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyên tất cả các bà mẹ cần làm siêu âm thai sớm, bởi siêu âm thai sớm giúp:

- Xác định ngày dự sinh chính xác hơn (sau quý 1, siêu âm đo đạc ít chính xác hơn)

- Đo tim thai giúp khẳng định sự sống của thai

- Chắc chắn về vị trí bào thai trong tử cung (tránh các trường hợp thai lạc chỗ)

- Xác định số lượng thai

Lần siêu âm thứ 2 của quý I lúc thai từ 11- 13 tuần 6 ngày, nhằm đo độ mờ da gáy giúp sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Down, Edward, Patau) cùng với xét nghiệm Double test. Việc phối hợp siêu âm thai đo độ mờ da gáy và Double test mang lại hiệu quả sàng lọc hội chứng Down lên đến 90%.

Siêu âm quý 2:

Ở giai đoạn giữa của thai kỳ, thông thường từ tuần 18-22, siêu âm khảo sát hình thái giải phẫu chi tiết thai nhi gọi là siêu âm sàng lọc dị tật được thực hiện. Siêu âm quý 2, bác sĩ có hình ảnh rõ ràng về cấu tạo cơ thể thai nhi giúp sàng lọc gần 80% các dị tật hình thai thai nhi.

Đó là một cách để:

- Xem sự phát triển của thai nhi, kiểm tra xem lượng nước ối có đạt chuẩn hay không và kiểm tra vị trí của nhau thai.

- Kiểm tra giới tính của em bé cũng như các bất thường của cơ quan sinh dục của bé

- Cho bạn nhìn thấy em bé của mình

Siêu âm quý 3:

Ở quý 3 của thai kỳ, việc siêu âm thai giúp bác sĩ đánh giá cân nặng thai nhi ước tính, giúp theo dõi sự phát triển của thai bình thường hay không, đồng thời tình trạng nhau ối chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Thời kỳ này, siêu âm giúp phát hiện các bệnh lý thai chậm tăng trưởng, thiếu máu thai nhi, dị tật thai giai đoạn muộn cũng như các bất thường vị trí bám bánh nhau (nhau tiền đạo, nhau bám thấp,...). Nhờ vậy, bác sĩ lâm sàng tiên lượng ca sinh an toàn cho cả mẹ và bé.

Siêu âm bổ sung:

Đôi khi các mẹ sẽ đề nghị làm thêm siêu âm trong quá trình mang thai nếu cô ấy thuộc 25% bà mẹ có nguy cơ cao. Nếu có dấu hiệu bất thường nào, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để chắc chắn mọi thứ đều ổn.

Nếu bạn mang đa thai, đặc biệt song thai một bánh nhau, bạn sẽ được làm siêu âm thường xuyên hơn để kiểm tra sự phát triển của các bé. Bạn cũng có thể được làm siêu âm đầu dò âm đạo để kiểm tra sự thay đổi của cổ tử cung (cổ tử cung xóa ngắn hoặc mở) nếu bác sĩ cho rằng bạn có nguy cơ sinh non...

SIÊU ÂM THAI ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Siêu âm thường được thực hiện bằng cách dùng một đầu dò rà quanh bụng (siêu âm đường bụng).

Nếu bạn làm siêu âm trước tuần 6-7 của thai kỳ, bác sĩ có thể thực hiện một xét nghiệm siêu âm qua đường âm đạo. Cũng theo nguyên lý trên, nhưng với một đầu dò nhỏ và dài hơn, được bọc bởi một vật tương tự bao cao su, bôi trơn vô trùng và đưa vào âm đạo. Bác sĩ di chuyển đầu dò trong đường âm đạo để kiểm tra tử cung của bạn, qua đó quan sát em bé trước khi siêu âm đường bụng. Tất cả chỉ thực hiện trong vòng 5-30 phút và không gây đau, ngoại trừ sự khó chịu khi bàng quang đầy nước tiểu - điều cần thiết trong siêu âm quý 1 qua đường bụng. Chỉ là một chút khó chịu nếu như bác sĩ cần ấn mạnh vào bụng của bạn để xem cận cảnh em bé rõ ràng hơn.

Lưu ý, siêu âm thường tương đối chính xác khi ước lượng kích thước của bé (có thể thấp hơn hoặc vượt quá trọng lượng ước tính).

Khi lạm dụng siêu âm đôi khi có thể dẫn đến các chỉ định mổ lấy thai không cần thiết hoặc sinh non. Vì vậy, bạn chỉ sử dụng siêu âm khi có chỉ định của bác sĩ.

THS. BS. ĐỒNG THỊ HỒNG TRANG - CHUYÊN NGÀNH SẢN PHỤ KHOA