Sinh viên Lào với những ngày trải nghiệm sống khó quên cùng người dân Sơn Trà
Đến ở và trải nghiệm cuộc sống với người dân Q. Sơn Trà, 8 sinh viên Lào đã có dịp trau dồi thêm tiếng Việt, nhất là phương ngữ vùng đặc trưng: mô, tê, ri, rứa; cùng với đó là phong tục, tập quán, đời sống, văn hóa của người Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng.
Trong niềm vui chung của Ngày hội đại đoàn kết dân tộc, gia đình cô giáo về hưu Lê Thị Châu (trú P.Thọ Quang) đón một thành viên mới, em Thipdavone Champasck - sinh viên năm 4, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Thipdavone Champasck thân thương gọi cô Châu là “Mẹ Châu”. Còn cô Châu hôm nào cũng hỏi thăm: “Hôm nay ăn gì để mẹ nấu?”. Thipdavone Champasck kể, em rất thích các món ẩm thực Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt là Phở tái. Khi nào thích ăn, em cũng được mẹ Châu và các bạn mời ăn. Gắn bó với Đà Nẵng gần 4 năm nên Thipdavone Champasck nói, nghe giọng Việt khá sỏi. Tuy nhiên, em cho biết có một số từ địa phương "mình vẫn chưa rõ hết được”. Trong những ngày sống trải nghiệm tại nhà “mẹ Châu”, Thipdavone Champasck ấn tượng và nhớ nhất là những bữa cơm gia đình người Việt. Với Thipdavone Champasck, khi được cùng ngồi ăn bữa cơm gia đình ở nhà mẹ Châu, cô cảm giác như mình đang được ăn cơm cùng gia đình mình vậy. Nhờ đó mà nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong em như được vơi đi. “Mỗi lần ăn cơm chung cùng gia đình mẹ Châu là mỗi lần em như đang ở cùng với gia đình em vậy”- Thipdavone Champasck xúc động bày tỏ.
Hầu hết các sinh viên Lào khi tham gia chương trình đều sinh hoạt, chung tay với những hoạt động trong gia đình như: nấu ăn, quét dọn nhà cửa hoặc tham gia cả việc mưu sinh của gia đình. Em Vongsalath Viphavanh - sinh viên năm 2 trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng ở chung với gia đình ông Hồ Tấn Hòa (tổ 10, P.Nại Hiên Đông) ngoài giờ học ở trường cũng chạy ra chợ phụ giúp gia đình ông bán rau. Với Vongsalath Viphavanh, thời gian ở nhà ông Hồ Tấn Hòa là kỷ niệm đáng nhớ nhất của em vì ở chợ em tiếp xúc được với rất nhiều người, “đặc biệt là trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt còn yếu của mình”- Vongsalath Viphavanh vui vẻ thổ lộ.
Khi chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Liên (P.An Hải Đông), nơi Vilaisan Phaimany - sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đến ở đúng lúc bà Liên đang dọn bữa cơm tối. Mâm cơm giản dị với những thức ăn chay ngày rằm. Vilaisan Phaimany cho biết, em rất ấn tượng với các món cơm chay của Việt Nam. “ Trước đó, em cũng có biết người Việt Nam thường ăn chay 2 lần trong tháng. Em rất thú vị khi được trải nghiệm ẩm thực chay của Việt Nam. Em ăn khá ngon”. Cũng theo Vilaisan Phaimany, điều khiến em bất bất ngờ và xúc động nhất là khi đến đây đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của gia đình cô Liên. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều xem em như người trong gia đình. Vào mỗi buổi sáng, cô đều được anh Hậu- con trai cô Liên chở đi học.
Không riêng gì Vilaisan Phaimany, các sinh viên Lào khi ở cùng với người dân tại Q.Sơn Trà đều được người nhà hoặc các Đoàn viên trong phường thay nhau chở đi học. Ngoài ra, các phường còn tổ chức các hoạt động văn hóa giao lưu, các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, đặc biệt là đến thăm các địa điểm văn hóa nổi tiếng trên địa bàn. Hơn 20 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân Sơn Trà, đã lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp của những SV Lào về sự hiếu khách, sự hồn hậu, chân tình của người Đà Nẵng.
Được biết, chương trình Ở nhà dân dành cho sinh viên Lào do Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Đà Nẵng, Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng và Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố Đà Nẵng được triển khai từ năm 2011 đến nay, mỗi năm trung bình có khoảng gần 100 SV Lào tham gia chương trình về ở với dân tại TP Đà Nẵng.
Lê Anh Tuấn