Sinh viên nước ngoài đón Tết Việt

Thứ tư, 22/01/2014 11:29

(Cadn.com.vn) - Tết cổ truyền với sinh viên Việt Nam là sự chờ đợi sum họp với gia đình sau một năm xa nhà. Còn với những SV nước ngoài, họ cũng đang háo hức chờ đón Tết Nguyên đán của đất nước hình chữ S với nhiều tâm trạng khác nhau, nhất là những người lần đầu hòa mình trong không khí Tết Việt.

Nhắc đến Tết Việt, nhiều SV nước ngoài đang học tập tại Đà Nẵng vẫn rất hào hứng, say sưa kể về kỷ niệm lần đầu ở lại và đón Tết. Syphachăn, lưu học sinh Lào, hiện học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng kể: "Mình đã nhiều lần ăn Tết tại Việt Nam, có năm mình được mời về nhà một bạn học ăn bữa cơm đầu năm. Mình thấy Tết cổ truyền Việt Nam khác với Tết Bunpimay của Lào, người dân "té nước" cầu may cho cả năm. Còn ở đây, ngày đầu năm, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, người lớn lì xì cho các em nhỏ những phong bao lì xì đỏ, kèm theo lời chúc ý nghĩa... Ngày Tết, mình cùng bạn học đi chơi, ngắm hoa, thăm chúc Tết các thầy cô, đó là những kỷ niệm khó quên trong đời mình".

Còn Sởm Chay, cũng là lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng thì cảm động khi kể về kỷ niệm lần đầu được ăn Tết ở VN: "Năm ngoái, mình ở lại Việt Nam ăn Tết, đi xem đường hoa ở Sông Hàn, cùng bạn bè đi xem pháo hoa lúc giao thừa. Thật là khôngg khí ấm cúng trong năm tháng mà mình sống và học tập xa nhà. Việt Nam như quê hương thứ hai của mình từ lâu rồi".

Lưu học sinh tại Đại học Đà Nẵng rất thích thú khi nói về tết cổ truyền Việt Nam.
Trong ảnh: Lưu học sinh trú tại ký túc xá Đại học Sư phạm. Ảnh: Việt Thành

Trong khi đó, một số sinh viên Trung Quốc lần đầu tiên ở lại Đà Nẵng cũng rất háo hức để được cảm nhận những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt Nam. Được các anh chị là lưu học sinh của nhiều nước kể lại những điều thú vị, Hoàng Đình Đình và các sinh viên cùng phòng ký túc xá đang tranh thủ lên mạng và nhờ sinh viên Việt Nam tư vấn về việc du xuân, nấu các món ăn để thưởng thức. "Mình đã quen với một số thức ăn đặc trưng của đất nước các bạn như bún, phở, mỳ Quảng... nhưng bánh chưng, bánh tét, mứt thì nghe các bạn kể nhiều nhưng chưa được ăn. Mình thấy nhiều bạn cắt giấy vàng dán lên cành cây khô như hoa mai trang trí trong phòng rất giống hoa mai thật. Các nước ở phương Đông đều có tết cổ truyền vào dịp này, nhưng Tết Việt Nam rất phong phú và đặc trưng", Đình Đình tâm sự.

Bận rộn hơn nhiều bạn bè quốc tế học tại Đà Nẵng, Kim Young Han (SV khoa Quốc tế học Trường ĐH Ngoại ngữ) phải vừa học vừa đi làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Mỗi năm đến Tết Việt Nam là cô tập làm một món ăn truyền thống. Năm thứ ba ở lại Việt Nam, Kim Young Han quyết tâm sẽ tự tay gói bánh chưng và làm mứt gừng. "Giao thừa năm nào mình cũng được bạn bè Đà Nẵng mời đến chơi, xông đất mừng năm mới. Sau đó sẽ cùng nhau ra đường tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, xem bắn pháo hoa, dạo phố trong tiết trời se lạnh. Năm nay mình chỉ mua nguyên liệu, tất cả các món ăn sẽ tự làm và mời bạn bè đến... chấm điểm", cô sinh viên đến từ xứ sở kim chi thích thú.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Huỳnh Minh Sơn, Trưởng Ban Công tác học sinh- sinh viên Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện có khoảng 500 lưu học sinh đang học tập tại các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Dịp Tết Giáp Ngọ này có hơn 50 sinh viên đăng ký ở lại. "Đại học Đà Nẵng sẽ tổ chức Gala đón mừng năm mới cùng lưu học sinh, tại đây các bạn sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang bản sắc của quê hương, thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam. Đây là những hoạt động được sinh viên háo hức chào đón, vừa giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về vừa tạo không khí ấm áp, thân thiện để các bạn khi sống xa quê hương vào thời điểm mà hầu hết mọi người đều được sum họp bên gia đình", Tiến sĩ Huỳnh Minh Sơn nói.

Việt Thành- Cáp Kim