Sinh viên sáng chế găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ

Thứ tư, 08/06/2022 12:31
Sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng. Theo đánh giá của kỹ thuật viên phục hồi chức năng Bệnh viện Đà Nẵng, sản phẩm đáp ứng khoảng 60% bài tập co, 90% bài tập duỗi.
Sản phẩm Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng đạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng và giải Nhì báo cáo nghiên cứu khoa học BKTechshow do Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức.
Nhóm sinh viên sáng chế găng tay mềm đang hoàn thiện sản phẩm.

Lê Nhất Chính – thành viên của nhóm ANNAM cho biết: “Theo khảo sát của nhóm chúng em, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19, các bệnh nhân bị đột quỵ gặp nhiều khó khăn trong tập luyện để phục hồi. Hầu hết những bài tập phục hồi sau đột quỵ của các bệnh nhân đều phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế và được tiến hành tại bệnh viện. Tuy nhiên, ở những thời điểm siết chặt yêu cầu phòng, chống dịch, việc tiếp cận các điều kiện để luyện tập của bệnh nhân rất hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ phục hồi. Thậm chí, có một số bệnh nhân bị liệt vĩnh viễn vì đã để mất thời điểm vàng”. Cũng theo Chính, nhóm ANNAM mất khoảng hai tháng để khảo sát nhu cầu thực tế của những bệnh nhân điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ. Quá trình điều trị, mức độ phục hồi của người bệnh cũng được ANNAM quan sát, ghi chép tỉ mỉ. Ý tưởng thiết kế sản phẩm găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ dần hoàn thiện trong quá trình này.

Sản phẩm “Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng” của nhóm ANNAM sử dụng bộ truyền động đàn hồi mềm dựa trên kỹ thuật PneuNet được tích hợp vào găng tay vải. Thiết bị gồm năm ngón tay mềm được thiết kế nhằm cố định vào năm ngón tay của bệnh nhân và tạo thành thiết bị đeo tay giúp bệnh nhân tập các bài tập co, duỗi nhờ tính chất co lại khi bơm khí vào và duỗi thẳng khi hút khí ra. Ngón tay mềm được chế tạo bằng phương pháp đúc với vật liệu silicon. Để tiết kiệm chi phí và thời gian, khuôn được chế tạo bằng phương pháp in 3D FDM bằng nhựa PLA. Găng tay được thiết kế hở lòng bàn tay. Khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm vào phần da của lòng bàn tay nhằm kích thích xúc giác, giúp bệnh nhân sớm lấy lại cảm giác. Ngoài ra, còn có một thiết bị điều khiển giúp người dùng có thể tự thao tác chọn các chế độ tập và cường độ tùy vào nhu cầu sử dụng. Toàn bộ các linh kiện điện tử được lắp đặt tách biệt để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Phiên bản thứ nhất của Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng của nhóm ANNAM chỉ có chức năng co. Trong khi đó, với các bệnh nhân phục hồi sau đột quỵ thì các bài tập phục hồi chức năng duỗi quan trọng hơn nhiều. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của Nhất Chính, với ngón tay mềm, việc thiết kế hình học để thực hiện được chức năng duỗi khó hơn nhiều. “Chúng em mất khoảng 2 tuần để thay đổi thiết kế hình dáng nhằm tích hợp thêm chức năng duỗi. Thiết kế của khoang không khí được thay đổi từ hình vuông sang hình tam giác. Ngoài thay đổi về thiết kế hình học thì phần lập trình vẫn giữ nguyên” – Chính cho biết.

Phiên bản 2 của găng tay phục hồi chức năng được nhóm chuyển cho 2 bệnh nhân và 2 kỹ thuật viên phục hồi chức năng của Bệnh viện Đà Nẵng sử dụng thử nghiệm. “Trong 2 bệnh nhân sử dụng thử nghiệm găng tay, có một bệnh nhân tự tập trị liệu tại nhà theo các bài tập hướng dẫn trước đó của kỹ thuật viên. Quá trình tập luyện và mức độ phục hồi của bệnh nhân được nhóm ghi chép tỉ mỉ, tham khảo thêm cả nhận xét của kỹ thuật viên để có những cải tiến phù hợp” – Đào Duy Anh, thành viên nhóm ANNAM cho biết.

Sản phẩm Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng đạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng và giải Nhì báo cáo nghiên cứu khoa học BKTechshow do Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Phản hồi của các kỹ thuật viên phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho thấy, ngón tay mềm đáp ứng khoảng 60% bài tập co, 90% bài tập duỗi. Hiện đã có 3 bài tập được tích hợp sẵn trong sản phẩm. Sản phẩm hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tập luyện cơ bản của bệnh nhân. Chi phí sản xuất khoảng 4,5-5 triệu đồng. Đây là mức giá thấp so với các sản phẩm nhập ngoại có mặt trên thị trường. “Nhóm vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm, phát triển thành sản phẩm thương mại. Trước mắt, dự án sẽ được nhóm tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp nhằm học hỏi thêm”-Nguyễn Thị Hiền, thành viên nhóm ANNAM thông tin thêm.

Để phát triển thành sản phẩm thương mại, Nhất Chính cho hay, nhóm sẽ phải cải tiến phần thiết kế kiểu dáng để đảm bảo tính thẩm mỹ hơn. “Phần mạch được chúng em thiết kế bằng tay nên với phiên bản găng tay mềm hiện nay, phần hộp điện của sản phẩm vẫn còn cồng kềnh. Hộp điện phải được thiết kế nhỏ gọn hơn để tiện mang đi. Nếu mạch được thiết kế công nghiệp thì sẽ giải quyết được vấn đề này”-Chính chia sẻ thêm.

Hà Phong