Sinh viên sáng chế thiết bị thu gom rác nổi tự động bảo vệ môi trường
Ô nhiễm rác thải nhựa nhiều năm trở lại đây đang là vấn đề cấp bách toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, một lượng rác thải, trong đó rác thải nhựa rất lớn bị dòng nước cuốn đi gây ô nhiễm khắp nơi. Công việc thu gom rác thải trôi nổi trên bề mặt nước tại các ao, hồ, sông suối, bờ biển, nhất là các âu thuyền, cảng cá không phải là chuyện dễ dàng khi thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị. Ước tính, khối lượng rác thải nhựa chiếm phần rất lớn trong lượng rác thải trôi nổi trên bề mặt nước. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10% trong số hơn 3 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm bị thải ra đại dương. Theo chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP, nếu không có các giải pháp kịp thời thì đến năm 2040, ước tính lượng rác thải nhựa tác động xấu đến hệ sinh thái dưới nước sẽ tăng gấp 3 lần.
Để chung tay góp phần giải bài toán thu gom rác thải đang có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, đe dọa hệ sinh thái dưới nước và gây mất mỹ quan, nhóm sinh viên (SV) Khoa Sinh- Môi trường trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng gồm: Phạm Thị Phương – K40.QLTM-TM (lớp cao học K40 Quản lý tài nguyên- môi trường); Đỗ Đăng Hiếu – 21CTM; Trịnh Văn Duy – 18CTM; Nguyễn Hồ Quốc Bảo – 22CTM; Phan Văn Đà – 18CTM dưới sự hướng dẫn của giảng viên ThS.Trần Ngọc Sơn đã xây dựng ý tưởng "Thiết bị thu gom rác nổi tự động".
Nhóm trưởng Phạm Thị Phương cho biết, rác trôi nổi trên đại dương phần lớn là rác nhựa khó phân hủy và khó thu gom hơn so với rác trên đất liền, vì vậy cần có những thiết bị hỗ trợ công tác thu gom này. Kết cấu của thiết bị thu gom rác nổi tự động gồm có hố thu, mô tơ đặt bên dưới tạo lực hút nước vào hố thu kéo theo rác vào. Rác sau đó được giữ lại tại một giỏ rác bên trong và nước sau khi lọc sẽ được đưa trở lại môi trường. Máy có thể đặt ở sông, hồ, các khu vực vùng vịnh, bến cảng…Ước tính công suất của máy đạt 15m3 nước/giờ. "Khi đặt ra ý tưởng, nhóm hy vọng làm ra một sản phẩm để có thể áp dụng cho TP.Đà Nẵng- nơi có nhiều sông, hồ và vịnh, biển. Quá trình thử nghiệm, nhóm đã nhiều lần đặt máy ở Âu thuyền cảng cá Thọ Quang và bước đầu cho thấy tính hiệu quả trong việc thu gom"- Phương chia sẻ.
Cũng theo Phương, từ hình thành ý tưởng đến hoàn thiện mô hình cơ bản, nhóm đã mất khá nhiều thời gian để thử đi thử lại và cải tiến công suất. Ngoài những thành viên chính là SV khoa Sinh - Môi trường nhóm còn được sự hỗ trợ của giảng viên và SV thuộc khoa Vật lý trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm "Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa" với giá trị giải thưởng 80 triệu đồng, dự kiến sẽ lắp đặt và chạy thử nghiệm thiết bị tại khu vực quần đảo Cát Bà. Theo chia sẻ, nhóm nghiên cứu luôn mong muốn trong quá trình học tập sẽ làm được một điều gì đó để chung tay bảo vệ môi trường sống. Đây là một ý tưởng có thể phát triển để khởi nghiệp, tuy nhiên muốn vậy sản phẩm cần phải cải tiến hơn nữa, đặc biệt cần có cơ hội về nguồn lực đầu tư kinh phí và nhiều điều kiện khác để có thể đưa ra thị trường. Không chỉ dừng lại ở mô hình sản phẩm hiện tại, nhóm sẽ có những giải pháp cải tiến như thay thế vật liệu inox đang sử dụng bằng nhựa để giảm giá thành mà vẫn chịu được độ ăn mòn của muối biển, hoặc kết hợp thêm một số tính năng khác vào thiết bị,…
ThS.Trần Ngọc Sơn- giảng viên hướng dẫn nhìn nhận: "Hiện nay, việc thu gom rác trôi nổi trên bề mặt nước khá khó khăn. Nếu sử dụng các máy thu gom nhập khẩu thì rất tốn kém và đòi hỏi nhiều về kỹ thuật vận hành. Nhóm đã có trao đổi với các dự án thu gom rác ở một số nước trên thế giới, tuy nhiên việc chuyển giao đòi hỏi kinh phí rất cao. Với thiết bị thu gom rác nổi tự động của nhóm SV Khoa Sinh- Môi trường có cấu tạo nhỏ gọn, dễ vận hành và hiệu quả cao sẽ là một lựa chọn đáng lưu tâm để bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa đe dọa hệ sinh thái đại dương".
Yên Thảo
Vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm "Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022" diễn ra tại Hà Nội ngày 12-4 vừa qua, có 6 ý tưởng xuất sắc nhất được vào vòng đào tạo định hướng. Ý tưởng "Thiết bị thu gom rác nổi tự động" của nhóm đến từ Khoa Sinh – Môi trường (ĐHSP-ĐHĐN) là một trong 2 đề xuất đoạt giải Nhất. Với giải thưởng được trao, các nhóm có nguồn hỗ trợ tài chính thực hiện thí điểm ý tưởng của mình tại Khu Dự trữ Sinh quyển Quần đảo Cát Bà - nơi đang phải đối mặt với những vấn đề rác thải nhựa. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến "Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh" được UNESCO triển khai từ năm 2020, nhằm tạo cơ hội cho các nhóm thanh niên, nhà khoa học trẻ sử dụng sức trẻ và khả năng sáng tạo của mình để đưa ra các đề xuất và ý tưởng cho vấn đề rác thải nhựa đại dương.